Thời sự - Bình luận

Thừa, thiếu giáo viên: Giải quyết được không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm nay (22-10), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV khai mạc. Một trong những trọng tâm kỳ họp này là Quốc hội xem xét dự thảo Luật Giáo dục đại học. Các đại biểu của dân chắc chắn sẽ mổ xẻ tình trạng vừa thừa 12.000 giáo viên, vừa thiếu hơn 70.000 thầy cô (mới chỉ thống kê ở 43 tỉnh, thành) trong nước hiện nay.
Nghị quyết 19 của Trung ương yêu cầu đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế đã khiến ngành GD-ĐT bộc lộ nhiều yếu kém tồn tại dai dẳng trong vận hành bộ máy. (ảnh nguồn internet)
Nghị quyết 19 của Trung ương yêu cầu đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế đã khiến ngành GD-ĐT bộc lộ nhiều yếu kém tồn tại dai dẳng trong vận hành bộ máy. (ảnh nguồn internet)
Vì sao những vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại bùng phát mạnh mẽ trong thời gian gần đây, như việc tiêu cực ở kỳ thi tốt nghiệp hai trong một, “cải tiến cải lùi” chương trình giáo dục phổ thông, in sách giáo khoa, cải tiến chữ viết; thừa, thiếu giáo viên? Theo công bố mới đây của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước chỉ có 2 địa phương là Đồng Nai và Đà Nẵng là đủ giáo viên, 61 tỉnh thành còn lại thiếu giáo viên, nghiêm trọng nhất là Hà Nội thiếu 12.681 giáo viên. Nguyên nhân thiếu giáo viên được Bộ GD-ĐT giải thích có vẻ đều khách quan: do huy động trẻ ra lớp tăng cao; do tăng dân số cơ học vào các trung tâm thành phố. Kỳ thực chỉ có như vậy thôi sao? Những người trong ngành GD-ĐT và các tỉnh rất khó chấp nhận lời giải thích “đổ lỗi” cho khách quan thế này, bởi cái chính của việc thừa, thiếu giáo viên là việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thiếu hợp lý, khoa học.
Có một nghịch lý rất... riêng của ngành GD-ĐT là giáo viên cả nước thiếu nghiêm trọng, trong khi sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, thất nghiệp nhiều vô kể. Ở Gia Lai, từ nhiều năm nay, năm nào cũng tuyển trên dưới cả ngàn giáo viên nhưng chưa khi nào tuyển đủ chỉ tiêu. Đơn giản là vì nhiều bộ môn cần nhưng sinh viên không có, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng xã hội không có nhu cầu. Hậu quả là đến nay, nhiều trường sư phạm không tuyển sinh được mặc dù giáo viên cả nước nhu cầu cần cả trăm ngàn người. Cái việc thừa, thiếu ấy trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực giáo dục cứ luẩn quẩn suốt từ mấy chục năm qua.
Vì sao Bộ GD-ĐT không tổng hợp nhu cầu giáo viên từng bộ môn của cả nước, thông báo công khai cho bàn dân thiên hạ, cho các cơ sở giáo dục biết để có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Việc này đâu khó gì. Kể cả việc dự báo số trẻ ra lớp khối mầm non, số giáo viên sẽ nghỉ hưu trong 5-10 năm tới cũng chỉ cần thống kê từ báo cáo các tỉnh, thành. Cái đó ngành GD-ĐT làm không được, hay không chịu làm, hay có lợi ích gì trong việc tù mù thế này? Bộ GD-ĐT không thể đổ lỗi cho địa phương về “công tác quy hoạch, dự báo hạn chế” bởi việc quản lý phân khúc đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ, các địa phương không thể tự đào tạo nguồn lực giáo viên cho riêng mình mà không theo sự định hướng.
Vừa qua, có thầy giáo ở một trường trên địa bàn TP. Pleiku bị stress nghiêm trọng phải nhập viện vì lý do trường phân thầy dạy kiêm bộ môn mà thầy không được đào tạo. Người giáo viên già vài năm nữa về hưu, thời sinh viên học chuyên khoa Toán, chưa có đào tạo Tin học, nhưng vì ở trong tổ Toán-Tin, trường thiếu giáo viên dạy Tin học nên Ban Giám hiệu phân thầy dạy thêm môn Tin. Không được đào tạo, dạy kiểu gì đây. Là người có liêm sỉ, thầy xin thà tăng tiết dạy Toán, còn môn Tin để các thầy giáo trẻ khác được đào tạo Toán-Tin dạy nhưng lãnh đạo không chịu. Vậy là phát bệnh. Cái nghịch lý của ngành GD-ĐT, càng đi sâu càng lộ nhiều phức tạp.
Nghị quyết 19 của Trung ương yêu cầu đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế đã khiến ngành GD-ĐT bộc lộ nhiều yếu kém tồn tại dai dẳng trong vận hành bộ máy. Ai cũng biết, biên chế của ngành GD-ĐT chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số bộ máy biên chế quốc gia hiện nay, riêng giáo viên mầm non, giáo viên Phổ thông gần 1,2 triệu biên chế, chưa kể bộ máy quản lý. Lượng giáo viên đang thiếu, cộng với số cần tinh giản, đến năm 2021 ngành GD-ĐT phải sắp xếp khoảng 200.000 vị trí khỏi biên chế để vừa đáp ứng nhu cầu tinh giản, vừa đủ giáo viên đứng lớp. Trong khi thiếu giáo viên, lại phải tinh giản bộ máy, làm sao đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cách làm hiệu quả nhất có lẽ phải nhanh chóng “xã hội hóa trường lớp”. Thiển nghĩ, những nơi có điều kiện phát triển tốt về kinh tế-xã hội như các đô thị lớn nên giảm thiểu tình trạng bao cấp trong giáo dục. Biên chế của ngành ưu tiên cho các vùng có điều kiện khó khăn. Những vùng thuận lợi thì tăng học phí, đảm bảo học phí đủ chi phí, khuyến khích chuyển trường công thành trường tư. Con em gia đình nghèo, gia đình chính sách... Nhà nước sử dụng ngân sách hỗ trợ phần học phí này. Bởi xét cho cùng, việc bao cấp cho ngành GD-ĐT thì cũng lấy từ các khoản đóng góp của dân.
Trong khi ngành Y tế đang xã hội hóa rất nhanh thì Giáo dục phổ thông nhiều năm qua giẫm chân tại chỗ, hoặc quá trì trệ trong việc xã hội hóa, ví như nhiều trường bán công đã trở lại công lập, đeo bám bầu sữa ngân sách. Không đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục, đừng mong gì khắc phục những tồn tại, yếu kém, trì trệ kéo dài trong bộ máy, giảm biên chế hưởng lương ngân sách.
Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm