Thuận vợ thuận chồng lập nên cơ nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đứng bên cạnh guồng máy xay xát đang vận hành là người phụ nữ khỏe mạnh, rắn chắc, luôn bận bịu với công việc. Chị là Lê Thị Phúc (ngụ tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa)- hộ nông dân duy nhất được Hội Nông dân thị xã đề nghị khen thưởng gia đình nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi cấp thị xã và tỉnh năm 2009.

Chị Phúc bên máy xay xát. Ảnh: Lê Kiều
3 ha mía, 5 ha mì, một cơ sở xay xát nhỏ hoạt động thường xuyên và thu nhập trên 100 triệu đồng hàng năm là những thành tích nổi bật mà chị Phúc đạt được sau hơn 20 năm cùng chồng gây dựng cơ nghiệp. Nhà chị lúc nào cũng nhộn nhịp bước chân, tiếng cười nói rộn rả, bởi rất đông người dân quanh vùng tìm đến cơ sở xay xát gia công này để cho ra thành phẩm lương thực cuối cùng. “Mỗi ngày, cơ sở có thể xay xát được 10 tấn gạo”- anh Trương Văn Năm (chồng chị Phúc) cho biết. Đảm nhận trọng trách ở Hội Nông dân phường, anh Năm đã không ngần ngại giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, cải thiện đời sống. Còn nhớ, trước đây, ý thức được việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, vợ chồng chị Phúc đã mạnh dạn mua đất rẫy ở xã Ia Rtô để trồng cây ăn quả nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, nên anh chị chuyển sang chuyên canh mì. Chính việc định hướng đúng loại cây trồng, biết tính toán đầu tư, mạnh dạn phát triển mô hình mía, mì mà gia đình anh chị đã thành công. Anh chị lại chăm chút đầu tư dịch vụ máy xay xát. Chỉ tay vào chiếc cối lớn dùng để chà trắng và đánh bóng hạt gạo, chị cười vui: “Hơn 50 triệu đồng đấy. Nhà mình mới mua để… làm đẹp thành phẩm”. Nếu những bao trấu ngày trước phải thuê xe đi đổ, thì nay, anh chị tận dụng để bán cho các lò sấy thuốc lá hay các lò gạch trên địa bàn thị xã và huyện lân cận. Một công đôi việc, số tiền thu lại từ việc bán trấu cũng đủ để trả tiền điện vận hành máy. Bình quân mỗi năm, việc duy trì quy trình trồng- chế biến- tiêu thụ mía, mì của vợ chồng chị đã tạo được việc làm thường xuyên cho 5 lao động người địa phương.

Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Phúc còn là một người nhiệt tình tham gia công tác xã hội, tích cực ủng hộ quyên góp từ thiện. Theo chân các cán bộ Hội Phụ nữ, chị đến từng nhà, góp lời động viên, thăm hỏi những gia đình khó khăn và “đóng góp nhiều hơn người ta một chút vì mình đã có điều kiện hơn, mong muốn được sẻ chia với những hộ còn khó khăn”- chị Phúc tâm sự.
Lê Kiều

Có thể bạn quan tâm