Thời sự - Bình luận

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng dịp tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dịp tết thường là cơ hội để kích cầu và sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa. Thuận theo cơ hội này, chính sách tài khóa và tiền tệ cần mở rộng để củng cố niềm tin về bức tranh khôi phục kinh tế cho tương lai. Thế nhưng, năm nay mọi việc đã khác, những tháng cuối năm Nhâm Dần có sức mua không bằng cùng kỳ những năm trước.

Để bàn luận về giải pháp khôi phục kinh tế, cần hiểu rõ bản chất của những trục trặc hiện tại. Đó là, khối doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm đơn hàng, lao động của khối doanh nghiệp này thiếu việc và thiếu thu nhập dẫn đến sức mua nội địa giảm. Để tăng sức mua nội địa có thể nghĩ đến các biện pháp tạo việc làm mùa vụ cho dịp tết. Chẳng hạn như TPHCM và các địa phương cần chủ động tổ chức các sự kiện, lễ hội thu nhiều lao động thời vụ tham gia. Việc này chẳng những tạo việc làm cho lao động vừa mất việc, mà thông qua đó có thể kích thích tiêu dùng.

Dịp tết cũng là dịp mua sắm, đi du lịch, tổ chức các sự kiện họp mặt, tổng kết, lễ hội… Các sự kiện này sẽ tạo không ít việc làm cho người lao động và kích thích tiêu dùng. Nghe qua có vẻ hơi vô lý, vì có nhiều người cho rằng trong lúc này cần tiết kiệm. Tuy nhiên, tiết kiệm trong lúc này là hợp lý nếu đứng dưới góc độ cá nhân, nhưng đứng trên góc độ tổng thể kinh tế là sự suy giảm của tổng cầu và việc làm trong ngắn hạn. Chỉ khi dòng tiền được lưu thông mạnh mẽ trong hoạt động tiêu dùng và sản xuất mới tạo được việc làm và hạnh phúc cho người dân. Do vậy, việc tổ chức các sự kiện này không phải là lãng phí mà là một trong những biện pháp kích cầu và kích cung để khôi phục việc làm trong ngắn hạn.

Tương tự, chi tiêu công cũng cần đẩy mạnh, việc khởi động lại hoặc thúc đẩy các công trình đầu tư phát triển, các hoạt động chi tiêu của chính quyền sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động. Trước mắt, các công trình phục vụ vui đón tết cần tiếp tục diễn ra, quá trình thi công có thể sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động thời vụ mới bị mất việc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thêm doanh thu, tạo thêm nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh đó, để kích thích tiêu dùng và sản xuất, cần mở rộng thêm nguồn tiền tệ chảy vào khu vực này. Việc này không những giải quyết được trục trặc trong ngắn hạn, mà còn tạo được tâm lý tích cực cho đầu tư, tiêu dùng và mở rộng kinh doanh trong tương lai. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có niềm tin và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư tái cơ cấu phát triển cho chu kỳ mới. Trên thực tế, lạm phát của Việt Nam vẫn ở trong tầm kiểm soát, nền tảng sản xuất nội địa đã và đang được củng cố phát triển, nên cần trợ vốn để doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường mới.

Mọi trục trặc trong nền kinh tế chủ yếu xuất phát từ việc đầu cơ, thiếu kỷ cương của các thị trường trong bối cảnh nền tảng sản xuất yếu kém. Nếu quản lý tốt các trị trường, hạn chế đầu cơ, củng cố được nền tảng sản xuất nội địa và đảm bảo nguồn chi ngân sách hiệu quả, hoạt động kinh tế sẽ luôn diễn ra suôn sẻ.

Hành vi sản xuất và tiêu dùng luôn là yếu tố quyết định tăng trưởng và ổn định. Hành vi này được quyết định phần nhiều bởi yếu tố tâm lý. Khi người tiêu dùng tin tưởng nền kinh tế đang trên đà phục hồi, doanh nghiệp tin tưởng cơ hội làm ăn ở phía trước, thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Bởi khi đó, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, lao động có việc làm, thu nhập gia tăng và người dân sẽ mạnh dạn chi tiêu. Sức mua tăng, doanh nghiệp dễ bán hàng sẽ tiếp tục tạo thêm được việc làm. Và cứ thế dòng tuần hoàn việc làm - thu nhập - tiêu dùng - sản xuất sẽ được diễn ra liên tục, đời sống dân sinh luôn được đảm bảo.

https://www.sggp.org.vn/thuc-day-san-xuat-va-tieu-dung-dip-tet-post674307.html
 

Theo HUỲNH THANH ĐIỀN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm