Thời sự - Bình luận

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần chi tiết, cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thẳng thắn, quyết liệt, đi thẳng vào những yêu cầu cụ thể, không chấp nhận dài dòng, chung chung… là phong cách điều hành gây chú ý, nhận được nhiều thiện cảm của cử tri khi nói về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bày tỏ thái độ trước báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hôm 25-4, Chủ tịch Quốc hội đã tỏ rõ sự chưa hài lòng khi báo cáo còn rụt rè, cái gì cũng chung chung, không có địa chỉ cụ thể, đặc biệt là với khoản tiết kiệm chi hơn 74.000 tỷ đồng trong năm 2021 mà Chính phủ đã thống kê như một thành tích.

 

UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tình trạng chung chung, không đụng chạm đến ai, kiểu ai cũng ưu điểm một chút, khuyết điểm một chút… trong báo cáo tổng kết của nhiều bộ, ngành, địa phương vốn tồn tại đã lâu, diễn ra thường xuyên và dường như đã trở thành khuôn mẫu. Với những bản báo cáo như vậy, người nghe lúc nào cũng gặp những thứ rất không được định danh rõ ràng. Một chút thuận lợi, một chút khó khăn; thành tích một chút, hạn chế một chút; cá nhân nổi bật cũng không rõ ràng, người khuyết điểm cũng chẳng thể gọi tên… Ví như bản báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25-4 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, sau khi cho rằng “Nhiều bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt” thì vẫn là cái điệp khúc cũ khi nói về những điều chưa làm được là “kết quả trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định”.

Bởi cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa định lượng cụ thể nên trước thông tin trong năm 2021, cả nước đã tiết kiệm chi hơn 74.000 tỷ đồng-một con số khá lớn, trong bối cảnh năm qua chúng ta tập trung mọi nguồn lực để chống dịch Covid-19, sản xuất đình đốn, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ rõ thái độ chưa hài lòng và đề nghị phải làm rõ con số hơn 74.000 tỷ đồng tiết kiệm được là từ đâu, khoản nào, phải luận giải rõ ràng, cụ thể; tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng trong việc giảm chi thường xuyên, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài chưa thực sự cần thiết.

Có nêu chi tiết những khoản tiết kiệm được thì mới biết rằng, khoản tiền chúng ta từng lãng phí lớn đến cỡ nào. Ví như chuyện đi nước ngoài mà Chủ tịch Quốc hội quan tâm. Đây là một khoản chi rất lớn, khi biết rằng, từ nhiều năm trước, ngoại trừ những chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mỗi năm có đến hàng ngàn đoàn cán bộ đi nước ngoài với nhiều lý do. Kết luận thanh tra việc đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 tại 4 bộ, ngành: Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và 6 địa phương là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đak Lak, Đồng Nai, Tiền Giang cho thấy, các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, 4 bộ, ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Cá biệt, ông Vũ Huy Hoàng khi làm Bộ trưởng Bộ Công thương trong năm 2014 đã tham gia 23 đoàn đi nước ngoài; năm 2015 tham gia 22 đoàn với tổng thời gian đi nước ngoài 163 ngày (hơn nửa thời gian làm việc trong năm).

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhưng nhờ đó mà chúng ta hiểu thêm được những lợi ích vô cùng to lớn khi ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách khi không còn những đoàn cán bộ lũ lượt từ địa phương về trung ương hoặc từ miền Bắc phải vào tận miền Nam và ngược lại chỉ để dự một cuộc họp mấy giờ đồng hồ, vừa lãng phí thời gian đi lại, vừa tốn kém chi phí ăn ở, di chuyển…

Còn hàng loạt vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải báo cáo rõ ràng, chi tiết như: cải cách hành chính phải chăng đang chững lại, nếu có thì nguyên nhân chủ quan là gì? Đầu tư công có khoảng hàng ngàn tỷ đồng được bố trí mà không tiêu được thì trách nhiệm của ai? Cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập không tiến triển gì? Vậy bộ, ngành, địa phương nào phải nói thẳng ra… Đã báo cáo thì cứ “viết thẳng vào, không phải ngại gì hết”.

Báo cáo càng cụ thể càng dễ cho cơ quan giám sát, đánh giá đúng-sai. Việc tuyên dương, khen thưởng hay phê bình, kỷ luật cũng có nơi, có chỗ, có người cụ thể, tránh tình trạng cái gì cũng chung chung. Thành tích thì cùng nhau tung hô, chia phần mà khuyết điểm thì xem như là của ai đấy chứ không phải mình.

Trung ương đã vậy, địa phương càng phải cụ thể, rõ ràng hơn. Mỗi năm vài lần họp HĐND, nếu báo cáo của UBND và các ngành không rõ ràng, chung chung thì làm sao HĐND có thể bàn bạc, đánh giá, ban hành được những nghị quyết với những chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, sát thực tiễn, định hướng chính xác cho sự phát triển của địa phương.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm