Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (viết tắt là DDCI) là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh được dùng để đánh giá về năng lực điều hành, cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Việc Bình Thuận công bố chỉ số năng lực cạnh tranh các sở ngành, huyện, thị vừa qua cũng thấy rõ được quá trình chỉ đạo, điều hành, việc thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội được cải thiện ra sao.
Tuy nhiên, theo công bố, dù không có sở, ngành nào bị rơi vào nhóm "rất thấp" (nếu chỉ đạt dưới 30 điểm); nhưng cả tỉnh lại chưa có sở, ngành, địa phương nào đạt tới điểm cao để vào nhóm "rất tốt" (phải đạt từ 80 điểm trở lên). Cả tỉnh có 11 sở, ngành đạt điểm "nhóm tốt"; 6 sở, ngành đạt số điểm đủ để xếp vào nhóm "khá"; 3 sở, ngành trong nhóm "trung bình" và đặc biệt có 1 sở vẫn thuộc nhóm "tương đối thấp".
Những chỉ số bị "gọi tên" chưa đạt, được liệt kê ra ở các sở, ngành vẫn còn nhiều như: tính minh bạch trong tiếp cận thông tin đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý, hay chuyển đổi số… còn diễn ra phổ biến.
Ở cấp huyện, thị chỉ có 2 huyện đạt điểm vào "nhóm tốt". Những chỉ số bị điểm thấp hoặc chưa đạt ở cấp huyện được nêu ra như: tính cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp cận đất đai còn bộc lộ hạn chế.
Hiện nay, việc công bố DDCI là để đánh giá khách quan về mức hấp dẫn trong các chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hiệu quả quản trị. Cải thiện chính sách để thu hút đầu tư không chỉ là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, mà đó chính là thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sở, ngành, địa phương. Quan trọng hơn, không chỉ công bố chỉ số cải cách hành chính "khơi khơi", mà còn phải có giải pháp để những sở, ngành, huyện, thị được đánh giá thấp phải nỗ lực cải thiện thì điều này mới thực sự ý nghĩa.
Theo Quế Hà (TNO)