Thương lắm rừng Đức Cơ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng đoàn xe ngày ngày “rồng rắn” chở gỗ lậu suốt chiều dài gần 20 km trên quốc lộ 19B-đoạn từ thị trấn Chư Ty đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Tiếng máy cưa vẫn vang rền giữa thanh thiên bạch nhật như thách thức tất cả…

Ngang nhiên chở gỗ lậu trên quốc lộ

Sau nhiều ngày liên tiếp bám trụ ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, chúng tôi đã chứng kiến cảnh lâm tặc chở gỗ ngang nhiên trên quốc lộ 19B đoạn từ thị trấn Chư Ty đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Theo ghi nhận của P.V, lâm tặc thường dùng loại xe máy đã cũ độ chế lại máy và bánh xe để ăn khớp với địa hình đường rừng đất đá lầy lội. Ngoài ra, lâm tặc vẫn dùng những xe ô tô loại xe 16 chỗ, xếp gỗ bên trong và che bởi lớp vải hoặc lớp mành kín đáo rất khó phát hiện.

 

Xe ô tô chở gỗ lậu bị Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ phát hiện và bắt giữ. Ảnh: Văn Ngọc
Xe ô tô chở gỗ lậu bị Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ phát hiện và bắt giữ. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian vận chuyển gỗ lậu chủ yếu vào khoảng từ 17 giờ đến 23 giờ đêm. Nhưng cũng có nhiều đêm, vì muốn tránh sự tuần tra kiểm soát của cơ quan chức năng, lâm tặc vẫn sẵn sàng vận chuyển từ khoảng thời gian 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Đặc biệt, khi vận chuyển bằng xe máy độ chế, gỗ thường được ngụy trang bằng những tấm bạt, nhiều khi để trống vì khúc gỗ quá dài và to. Mỗi xe chở gỗ đều có khoảng 2-3 “vệ tinh” đi theo áp tải gỗ lậu về đến nơi đến chốn.

Sau nhiều lần theo dõi và bám theo lâm tặc vận chuyển gỗ, chúng tôi phát hiện những xe chở gỗ lậu này đến giờ hoạt động bắt đầu tủa ra từ những đường nhánh xung quanh khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Xe chở gỗ lậu bắt đầu rú ga bạt mạng lao về hướng thị trấn Chư Ty, sau đó lại cua vào những đường nhánh nhỏ trước thị trấn rồi mất hút giữa bóng đêm. Như vậy, hành trình gỗ lậu của lâm tặc trên quốc lộ 19B kéo dài khoảng 20 km trong những tiếng rú ga điên dại.

Theo nhiều người dân ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tình trạng lâm tặc chở gỗ lậu trên quốc lộ 19B là “chuyện thường ngày ở huyện”, đã diễn ra trong một thời gian rất dài và vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Rừng bị… xẻ thịt

Sau nhiều ngày chứng kiến cảnh lâm tặc chở gỗ ngang nhiên, chúng tôi nhờ một người địa phương dẫn đường để tận mắt chứng kiến hiện trường. Khi đi được 1 km từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vào rừng, chúng tôi đã thấy nhiều cây gỗ lớn đổ gục, cùng với đó là gỗ mới cưa xong đang chờ vận chuyển được xếp ngay ngắn ở mặt đường. Tiếp tục men theo con đường đất vào rừng, đi được khoảng 5 km thì chúng tôi bị choáng ngợp bởi rừng đã biến thành một “công trường” khai thác gỗ. Dừng chân ở tiểu khu 681 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ, nhiều cây gỗ bằng lăng, căm xe, sao xanh, sao cát, cà chít vàng, cà chít đỏ… đường kính 40-70 cm bị đốn hạ nằm trơ gốc. Nhiều cành cây bị cưa nằm la liệt, lá vẫn còn xanh tươi. Ngoài ra, rất nhiều khúc gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn nhưng chưa kịp vận chuyển vẫn ngổn ngang.

Đi dọc theo quốc lộ 14C vẫn còn những hàng cây to, nguyên sinh, nhưng khi bước qua hàng cây đó chừng hơn 10 mét vào bên trong đã lộ ra những mảng rừng bị đốn hạ. Tiến vào các tiểu khu 686, 685, 680, chúng tôi đành ngậm ngùi bởi rừng ở nơi đây cũng rơi vào tình trạng bị tàn phá tương tự. Các vành đai xung quanh rừng cao su đã trồng của Công ty 72 (Binh đoàn 15) cũng bị cạo trọc. Ước tính diện tích rừng bị xẻ thịt ở các tiểu khu này khoảng trên dưới 100 ha. Ở một số tiểu khu, sau khi cây rừng bị đốn hạ, người dân bản địa lập tức “giải phóng mặt bằng” để trồng mì tạo nên những mảng rừng nham nhở. Đặc biệt, quanh các khu vực rừng bị tàn phá bán kính 1-2 km, tiếng cưa lốc, cưa máy vẫn rền vang giữa thanh thiên bạch nhật.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lan Vọng- Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đức Cơ cho biết: “Nguyên nhân rừng bị tàn phá nặng nề nhất là do thành lập các đội trồng cao su, khiến diện tích rừng giảm sút nhanh. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng người dân các địa phương khác lợi dụng tình trạng đó trà trộn theo các đội cao su khai thác rừng và làm rẫy tại khu vực rừng phòng hộ. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 160 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 67 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 vụ khai thác lâm sản trái phép và 8 vụ phá rừng làm rẫy. Hàng ngày, đơn vị vẫn tổ chức tuần tra kiểm soát, lập các chốt chặn trên các ngả đường. Nhưng vì lực lượng còn mỏng và yếu nên chưa thực sự quản lý chặt chẽ được tình trạng phá rừng như hiện nay”.

Còn ông Đỗ Văn Lợi- Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ thì cho biết: “Sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kết thúc đợt truy quét, UBND huyện liên tục tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành truy quét lâm tặc. Kết quả, đoàn thứ nhất đã phát hiện tại tiểu khu 680 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ có một số đối tượng dựng lán trái phép trong rừng để đào đãi vàng, đoàn đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ và đưa toàn bộ người và phương tiện ra khỏi rừng. Hiện nay trên địa bàn vẫn còn tình trạng khai thác rừng làm nương rẫy, phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Các đường tiểu ngạch quá nhiều cũng khiến chúng tôi rất khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng”…

Nguyễn Tú-Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm