Thời sự - Bình luận

Thương mại điện tử và dược phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến chính sách quản lý và phát triển công nghiệp dược, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo sửa đổi luật Dược 2016 với các điểm mới phù hợp với thực tế phát triển.
Thương mại điện tử và dược phẩm (ảnh minh họa)

Thương mại điện tử và dược phẩm (ảnh minh họa)

Luật Dược 2016 tập trung cho tăng cường việc tự cung, tự cấp thiết yếu cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh, chú trọng tập trung sản xuất các thuốc generic do khi đó nước ta nguồn lực còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành dược đã có bước tiến qua các năm. Nếu năm 2016 nước ta chỉ có 167 cơ sở sản xuất dược thì tới năm 2023 đã tăng lên 238 cơ sở; giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng; sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác khám, chữa bệnh.

Như vậy, với sự tăng trưởng về công nghệ và mô hình bệnh tật thay đổi, hướng đến mục tiêu cao hơn và để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, luật Dược cần có các quy định mới tập trung cho phát triển ngành dược, công nghiệp dược phù hợp với điều kiện hiện tại và các dự báo tương lai. Do đó, dự thảo cần có quy định các chính sách ưu đãi để phát triển ngành dược liệu liên quan tới chuyển giao công nghệ; sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược, thuốc sản phẩm công nghệ cao…

Đáng lưu ý, cùng với công nghệ sản xuất, mô hình phân phối thuốc đã thay đổi rất nhiều, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh chuỗi nhà thuốc.

Với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, luật Dược 2016 cũng đã có quy định, nhưng chưa có đủ điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này, do đó luật Dược sửa đổi cũng cần quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi kèm… Ban soạn thảo cũng cần thiết sẽ phải tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan đến điều kiện thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận, trách nhiệm nhà thuốc thuộc chuỗi.

Bên cạnh đó, cùng sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch Covid-19…, việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch trên sàn TMĐT ngày càng phổ biến. Ngành dược cũng không thể đứng ngoài sự phát triển này. Nhưng để kiểm soát được chất lượng thuốc khi kinh doanh trên sàn TMĐT, dự thảo luật Dược cần có các quy định hết sức chặt chẽ như: chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống được phép kinh doanh thêm TMĐT; và chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên TMĐT.

Trường hợp có kinh doanh theo phương thức TMĐT, chỉ được kinh doanh trên website TMĐT bán hàng, sàn giao dịch TMĐT hợp pháp đã được cấp phép theo quy định của pháp luật về TMĐT.

Đồng thời, cơ quan quản lý phải đảm bảo kiểm soát được các đơn vị kinh doanh TMĐT dược phẩm chỉ đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc, tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Cùng với đó, cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức vận chuyển thuốc đến người mua theo quy định.

Bên cạnh các quy định về TMĐT, khi thực thi hình thức kinh doanh này còn cần đảm bảo sự giám sát, xử lý nghiêm minh, đủ mạnh. Không thể chấp nhận bán thuốc online thông thường - hình thức bán hàng không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá cả. Và quan trọng nhất vẫn là sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, tức nằm ở yếu tố con người.

Có thể bạn quan tâm