Thương nhớ vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện không gì lạ, cứ mỗi độ xuân về, chúng tôi lại lên đường cùng đón một cái Tết ý nghĩa với cán bộ, chiến sĩ vùng biên giới. Những dịp cuối năm mùa khô có cái gì đó thôi thúc cánh phóng viên chúng tôi đến với những người trấn thủ nơi miền biên viễn.

Cách đây chừng mười lăm năm, tôi đi cùng anh chị em văn nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Đam San lên thăm và chúc Tết các đồn biên phòng huyện biên giới Chư Prông. Cánh đàn ông chúng tôi thì nắng gió, mưa giông cỡ nào cũng không sao, chịu đựng quen rồi, thương nhất là các nàng “diễn viên chân dài” mà hứng bụi đường táp vào mặt thì còn đâu là dung nhan. Rút kinh nghiệm của những chuyến đi “bão bụi” đợt trước, chị em bèn nghĩ ra cách mặc áo mưa kín bưng từ đầu đến chân để tránh được cái bụi đang tung hoành ngoài kia… Xe vẫn cứ chạy băng băng dưới cái nắng chang chang của rừng khộp. Thỉnh thoảng có vài lời ca cất lên làm vàng thêm những cánh hoa dã quỳ rực rỡ hai bên đường.

Đồn biên phòng 727 (Chư Prông). Ảnh: T.P

Tới đồn, mọi người bước xuống xe, ai cũng không nhận ra ai, bởi bụi vàng trùm cả người chỉ còn đôi mắt… Riêng các nàng từ tốn cởi áo mưa ra, ai cũng ướt mèm như tắm mà sạch bong. Riêng tôi thấy ngồ ngộ, và thấy họ hoàn toàn có lý hơn ai hết.

Ca sĩ Thúy Hà bộc bạch với tôi: Đến nhiều nơi rồi không sao cả, lần này tụi em phải mặc áo mưa giữa trời nắng mới model chứ anh! Miễn sao lính yêu cầu hát là hát phục vụ tại chỗ ngay thôi…

Đêm ấy nam nữ diễn viên của đoàn đã hát múa say sưa bên đống lửa, bên những chiến sĩ đang hưng phấn, dâng trào với giai điệu tình yêu của rừng núi quê hương.

Ảnh: Trần Phong

Một lần khác cũng lên đồn cùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh. Tôi được phân công đi trên xe U-oát của Tỉnh đội. Xe 2 cầu thì yên chí chạy đâu chẳng tới. Nói thế chứ mọi việc đều có thể xảy ra. Đoàn xe bắt đầu rẽ vào đường rừng, chạy hăng hái lắm, xe chúng tôi dẫn đầu chạy chậm lại và rồi dừng hẳn. Té ra bác tài bảo xe bị lầy cát rồi, không thể lăn bánh được. Giữa rừng sâu đã gần 6 giờ chiều chỉ còn tiếng chim lảnh lót gọi bầy, một anh sĩ quan quân đội dẫn đường chúng tôi đi bộ ba cây số về đồn. Sau đó, bộ đội đơn vị được huy động mang cuốc xẻng ra “chống lầy” và đoàn xe chúc Tết vào đồn cũng vừa trời tối.

Những thứ cây nhà lá vườn do chính Bộ đội Biên phòng trồng, chăm sóc cộng thêm món cá dưới sông bắt lên chiêu đãi mọi người buổi tối thật đậm đà, khó quên. Tôi la đà hàn huyên với cánh lính trẻ đến khi trăng non treo lơ lửng trên non cao…

Nhà rông Jrai vùng biên giới. Ảnh: Lê Bá Tuế

Có một cái Tết tôi đi cùng đoàn lên chúc Tết tại Tiểu đoàn 50- đơn vị bộ binh duy nhất của Tỉnh đội đứng chân trên vùng biên giới Đức Cơ. Năm ấy tôi đến thăm đơn vị đúng vào thời điểm Ban Chỉ huy tổ chức vận động toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung xây dựng, chỉnh trang khung cảnh cơ quan văn hóa xanh-sạch-đẹp. Để làm được việc này bộ đội phải leo lên ngọn núi bên kia suối, từng ngày cõng những hòn đá to, hòn đá nhỏ về phân loại ra, sau đó xếp thành lối đi hoặc xây thành bờ ngăn từng khuôn viên trong sân, xây hòn non bộ… Tất cả đã tạo nên cảnh quan đẹp và thơ mộng như hôm nay.

Chàng lính trẻ hồ hởi tâm sự: “Những ngày gần Tết chúng em nhớ nhà lắm anh ạ! Có đoàn đến thăm và hòa đồng như vầy là chúng em vui. Mai mốt viết thư về nhà em sẽ kể cho mẹ và anh chị ở quê cùng biết, sẻ chia…”.

Trong đợt đi thăm một đồn 717 (huyện Ia Grai bây giờ) tôi tình cờ gặp lại một “chàng Biên phòng” mà cách đó 2-3 năm nổi tiếng là “Cu Lỳ” quậy tưng bừng khu vực dân cư phường Hoa Lư- Pleiku, nay đã là anh lính trẻ chững chạc, tiến bộ từng ngày và đang giữ chặt tay súng bảo vệ biên cương.

Cũng có anh bộ đội sau vài năm công tác trên đồn đã xin phép đơn vị, gia đình được cưới vợ người Jrai và sau đó lập nghiệp cùng bà con tại địa phương.

Nhiều năm liền chúng tôi đã có những chuyến đi lên biên giới ăn Tết cùng chiến sĩ thật khó quên.

Mỗi lần trở về, chúng tôi lao vào những trang ghi chép chan chứa tình người, tình quân dân nơi xanh thẳm một góc trời quê hương.

Lê Bá Tuế
 

Có thể bạn quan tâm