Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thưởng thức cà phê ngon nhất thế giới ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh bạn tôi sống ở Sài Gòn. Chúng tôi thân với nhau tự thuở là đồng môn ở đại học. Bẵng một thời gian, gặp lại, nghe bạn thao thao chuyện cà phê thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, tôi vô cùng ngạc nhiên vì trước đây anh rất ít khi dùng loại chất đắng này. Với sự sành sỏi ấy có thể gọi là một chuyên gia cà phê không hề sai.
Tuần qua, anh điện thoại báo rằng muốn mời tôi thưởng thức cà phê Geisha, được cho là ngon và đắt nhất thế giới hiện nay và đặc biệt sẽ thưởng thức ngay tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) với lời giải thích: Nhiệt độ buổi sáng ở Pleiku sẽ giúp ta cảm nhận tốt hơn chất lượng của Geisha.
Chiếc ba lô đủ nặng để làm nghiêng vai người đàn ông 66 tuổi, được khéo sắp xếp để chứa rất ít quần áo, đồ dùng cá nhân, còn lại chiếm 2/3 trọng lượng xách tay được miễn phí theo quy định của Vietjet Air là lỉnh kỉnh đồ lề để pha thứ cà phê quý tộc ấy như: ấm nấu nước có báo nhiệt độ, phin giấy, cân điện tử chỉ được đến đơn vị gram, bình đựng cà phê thành phẩm, 2 cái ly nhỏ, 1 cái máy xay thật dễ thương với đủ thông số điều chỉnh...
Theo bạn tôi, cà phê anh mang ra lần này là Panama Geisha, nếu được trồng ở Columbia thì có tên Columbia Geisha, Geisha là địa danh quê hương ở Ethiopia của giống Arabica này. Tẩn mẩn đi từng công đoạn rồi kết luận nước ở đây đủ chuẩn, bật bếp nấu nước, xay khoảng 50 gram hạt rang, châm nước  vào phin lọc bằng giấy, khuấy nhẹ… thế là có 1 bình cho khoảng 2 hoặc 3 người uống.
Vừa thao tác, bạn tôi vừa khoe: 1 kg hạt có giá trên dưới 9 triệu đồng, mua về tự rang theo cách của mình. Đó chính là sự bùng nổ của hương vị, bởi ta sẽ bị tấn công vị giác bằng những mùi hương như: dâu tây, việt quất, mâm xôi, đào... và không thể tin được rằng nó chính là cà phê!
Ảnh: Thái Bình
Ảnh minh họa: Thái Bình
Cà phê Geisha sẵn sàng để thưởng thức là một loại chất lỏng có màu nâu của nước giải khát Coca Cola. Rất trịnh trọng, bạn mời tôi nâng ly, để nguyên chất, không thêm đường, không thêm sữa, để hương khói tỏa tìm khứu giác, thoang thoảng thơm đấy, nhưng tôi chẳng đoán ra mùi của loại trái cây nào và cũng rất bình thường, tĩnh lặng tìm độ chua, vị chát cùng hậu vị của từng ngụm nhỏ, tôi vẫn không nhận ra được “sự bùng nổ của hương, đỉnh cao và vực sâu của vị giữa 1 ly cà phê 20.000 đồng và 85 đô la” .
Uống cà phê từ năm 16 tuổi, vị chi đến giờ là 51 năm lẻ, đã nhấm nháp đủ loại, nhưng cái Geisha này thì đúng là lần đầu tiên. Vị giác và khứu giác sau từng ấy năm chắc chưa đủ tinh tế để phát hiện và thừa nhận cái giá trị hạng nhất mà cả thế giới gán cho Geisha.
Nói thật lòng, tôi thậm chí còn không thấy ngon và thơm hơn những ly cà phê được trồng trên đất Gia Lai, được pha phục vụ ở những quán quen hàng ngày của tôi ở Pleiku. Chắc chắn, tôi không phải là kẻ cục bộ bản vị địa phương, dù sao thì cảm nhận ngon thơm tùy thuộc khẩu vị mỗi người mỗi khác, riêng tôi, Geisha khó lấy của tôi dù chỉ 10 đô la 1 ly hoặc giả do tôi chưa đủ trình của một tín đồ cà phê chăng!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm