Tiềm ẩn về tai nạn giao thông ở nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm đầu từ xây dựng mới. Dù chưa được hoàn thiện, nhưng bức tranh hạ tầng giao thông nông thôn đã có nhiều đổi thay, việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, song hành với niềm vui đó là nỗi lo tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, bởi sự thiếu ý thức của người dân trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5.610 km đường liên thôn, liên xã, chiếm 54,82% tổng chiều dài đường bộ của tỉnh, 100% xã có đường ô tô vào tận trung tâm. Những năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn cũng rất được quan tâm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Chính vì vậy, những con đường ở các thôn, làng và khu dân cư được bê tông hóa ngày càng nhiều…

Tuy nhiên, hầu hết những con đường này bộc lộ khá nhiều khiếm khuyết, khi trong quá trình thi công thiếu khảo sát, thiếu sự trợ giúp kỹ thuật của các nhà chuyên môn, nên thường tạo ra nhiều khúc cua gấp, tầm nhìn bị che khuất và thiếu hệ thống biển báo giao thông…
 

Công an huyện Kông Chro tuần tra kiểm soát phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Lê Anh

Nhưng đáng lo hơn cả là ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân nông thôn còn hạn chế, là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông ở nông thôn gia tăng. Tại hầu hết các vùng nông thôn  trên địa bàn tỉnh, chuyện uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, chờ hàng cồng kềnh, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn là chuyện “thường ngày ở xã”. Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, tình trạng thanh, thiếu niên, nhất là người dân tộc thiểu số tụ tập thi nhau phóng xe bạt mạng làm náo loạn đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra sự hỗn hợp phương thiện khi tham gia giao thông trên các đường liên thôn, liên xã, thậm chí gia súc, gia cầm cũng “tham gia giao thông”, là nguyên nhân tiềm ẩn sự gia tăng của các vụ tại nạn.

Theo số liệu thống kê, trong thời gian qua số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn chiếm 15,25%, cao hơn tuyến tỉnh lộ (13,56%), đường nội thị (11,02%) và chỉ xếp sau tuyến Quốc lộ (57,63%). Qua  phân tích của cơ quan điều tra, nguyên nhân trong tổng số các vụ tai nạn giao thông, có đến 98,37% lỗi vi phạm gây tai nạn là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Dù vẫn biết việc thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ ở vùng nông thôn rất phổ biến.

 

Đường giao thông ở xã Chư Krei. Ảnh: Lê Anh

Với lực lượng Cảnh sát Giao thông ở các địa phương hiện nay không thể nào kham hết công tác tuần tra, kiểm soát khi địa bàn trãi rộng, nên chỉ thực hiện tốt trên các tuyến đường chính. Trong khi Công an xã là lực lượng quản lý địa bàn trực tiếp cũng không mấy khi tuần tra, kiểm soát, thậm chí cũng vi phạm luật giao thông đường bộ. Công tác xử lý các đối tượng vi phạm chưa thể thoát khỏi tâm lý… tình làng, nghĩa xóm, nên mọi chuyện xem như “hòa cả làng”. Vì vậy, trong số gần 100.000 trường hợp vi phạm trật tự giao thông đã được phát hiện trong thời gian qua, số trường hợp vi phạm tại các tuyến đường giao thông nông thôn bị xử lý chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Trung tá Phan Thanh Tùng- Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Kông Chro cho biết: “Với lực lượng hiện nay, chúng tôi không thể nào tuần tra kiểm soát hết các tuyến giao thông nông thôn. Công tác này, được giao lại cho lực lượng công an xã, đội tự quản… Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, hiệu quả công việc của lực lượng này vẫn còn nhiều hạn chế…”. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban an toàn giao thông tỉnh, dù xác định, tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Tuy nhiên, chưa có tác động mạnh, tích cực đến tầng lớp thanh, thiên niên, chưa thành nếp đối với từng khu dân cư và từng hộ gia đình.    

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm luật tham giao thông đường bộ trên các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đang bị buông lỏng. Cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm. Qua thực tế và những số liệu thống kê, có thể thấy an toàn khi tham gia giao thông ở nông thôn không còn là chuyện nhỏ.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm