Ảnh: Internet |
Mức phạt 800 triệu - 1 tỉ đồng đã tăng khá mạnh so với trước đó. Tuy nhiên, so với hậu quả mà hành vi này gây nên, so với món lợi mà các chủ đầu tư thu được từ việc gian dối khách hàng thì lại rất nhỏ. Đầu tiên là về hậu quả. Chúng ta đã và đang chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân mua căn hộ, trả tiền đầy đủ, thậm chí dọn vào ở rồi bỗng một ngày ngân hàng đến siết nợ cả dự án. Chỉ đến lúc đó, họ mới biết căn nhà đã bán cho mình nhưng vẫn bị chủ đầu tư mang đi thế chấp vay tiền. Hay ngược lại, dự án đã cầm cố ngân hàng lại được chủ đầu tư mang bán cho nhiều người. Cả hai trường hợp này, chủ đầu tư thu lợi bất chính rất lớn từ việc bán 2 lần (1 lần cho người dân và 1 lần thế chấp NH lấy tiền) và đây thực chất là hành vi lừa đảo... Vì vậy, nếu chỉ phạt 1 tỉ đồng thì không đủ sức răn đe. Thậm chí họ sẵn sàng nộp phạt để vi phạm vì món hời thu được lớn hơn rất nhiều.
Tình trạng sẵn sàng nộp phạt để thu lợi từ vi phạm do mức phạt quá nhẹ đã từng xảy ra với trường hợp chủ đầu tư vượt chiều cao dự án so với giấy phép xây dựng để tăng tầng, tăng diện tích bán hàng. Các trường hợp này, lẽ ra phải cưỡng chế, cắt ngọn, tháo dỡ thì một thời gian dài, chúng ta chỉ phạt hành chính vài trăm triệu đồng, sau đó nâng lên cho phép chủ đầu tư được nộp phạt bằng 40 - 50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án... Rõ ràng, số tiền nộp phạt chẳng ăn thua gì so với khoản lợi nhuận mang lại từ việc tăng chiều cao hay lấn thêm tầng của chủ đầu tư. Thế nên vi phạm này vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều dự án. Sau đó, một số địa phương đã mạnh tay cắt ngọn, cưỡng chế và được dư luận ủng hộ. Đến nay thì hình thức vi phạm này đã ít dần.
Không riêng gì xây dựng mà việc hình thức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe cũng diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác như an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng gian hàng giả; phát ngôn, đưa thông tin lệch chuẩn, sai sự thật trên mạng xã hội... Vấn đề này đã được mổ xẻ, phân tích, kiến nghị tăng mức xử phạt mỗi khi xảy ra sự cố. Nhưng thực tế, chạm tới lĩnh vực nào cũng vẫn thấy tồn tại nghịch lý "mức xử phạt quá nhẹ, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe". Hệ quả là càng xử phạt, các hành vi vi phạm không giảm mà còn gia tăng, thậm chí với mức độ nghiêm trọng hơn.
Vì thế để chấn chỉnh tình trạng nói trên, đồng thời hạn chế tối đa vi phạm, nên lấy một chuẩn chung về mức xử phạt hành chính bằng tiền là buộc phải cao hơn món lợi thu được từ hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, thu hồi toàn bộ hàng hóa, sản phẩm vi phạm cũng như người vi phạm phải đền bù thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại bởi hành vi vi phạm của mình.
Phạt nặng, xử nghiêm không chỉ giúp môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh mà còn rèn tính tuân thủ của tổ chức, cá nhân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.