Tiên Phước-Khu căn cứ của tỉnh Quảng Nam thời chống Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm về phía Tây tỉnh Quảng Nam, địa bàn Tiên Phước có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, nơi giữa ta và địch đối đầu quyết liệt trong hai cuộc kháng chiến.  Với  thế núi, hình sông  hiểm trở, với thế trận lòng dân son sắt, kiên trung, Tiên Phước đã sớm được chọn làm căn cứ của cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng tỉnh Quảng Nam và của Khu V.

Ngược dòng lịch sử

Từ sau chiến dịch “Vượt sông Tranh” giải phóng Lãnh-Ngọc (1961) đến chiến dịch “Vượt sông Tiên” giải phóng Sơn-Cẩm-Hà (năm 1962) kết thúc thắng lợi, tại Tiên Phước, ta đã  làm chủ một vùng đất rộng lớn với hơn 9.000 dân. 

Các đông chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm và đường cào khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T
Các đông chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm và đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T

Từ đây, vùng Lãnh-Ngọc, Sơn-Cẩm-Hà của huyện Tiên Phước đã trở thành vùng căn cứ của cách mạng. Đặc biệt đối với xã Tiên Sơn, trong những năm từ 1964-1975, Tỉnh ủy Quảng Nam đã hai lần đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng với những kỳ đại hội, hội nghị quan trọng, đi đến những quyết sách mang tính quyết định cho sự thành công trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh Quảng Nam từ năm 1964 đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng.
 

Chứng tích một căn hầm trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T
Chứng tích một căn hầm trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T

Sau khi về đứng chân tại Tiên Sơn, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam vừa chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, vừa chuẩn bị nội dung và tổ chức Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ VI. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ta mở Chiến dịch “Nguyễn Văn Trỗi”, đồng loạt nổi dậy, tấn công, giải phóng một khu vực rộng lớn từ Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ đến Nam Tam Kỳ, làm cho  địch co cụm ở nội ô thị xã Tam Kỳ, các quận lỵ thị trấn và các cứ điểm ở dọc quốc lộ 1, mở ra một hành lang thông suốt từ vùng Đông lên vùng Tây của tỉnh nối các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Nam-Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước liên hoàn với miền núi. Cũng trong thời gian này, để tránh những đợt càn quét của địch, cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam phải dời địa điểm đến những địa bàn lân cận để tiếp tục chỉ đạo phong trào.

Từ sau Hiệp định Paris năm 1973, phong trào cách mạng trong tỉnh có sự chuyển biến mới, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam một lần nữa lại chuyển về Tiên Sơn. Các cơ quan của tỉnh Quảng Nam cũng chuyến về đóng ở khu vực này.

 

Đồng chí Nguyễn Chín-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao bằng công nhận di tích quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Tiên Phước. Ảnh: K.T
Đồng chí Nguyễn Chín-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao bằng công nhận di tích quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Tiên Phước. Ảnh: K.T

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Tháng 2-1975, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị tại thôn 1, Tiên Sơn đã ra quyết tâm giải phóng Tiên Phước-Phước Lâm. Ngày 10-3-1975, cùng với tiếng súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak, tại Tiên Phước, bộ đội chủ lực của Quân khu V, của tỉnh, lực lượng vũ trang và nhân dân toàn huyện đã tấn công các cứ điểm và cơ quan đầu não của địch giải phóng Tiên Phước-Phước Lâm.

Giếng nước trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T
Giếng nước trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T

Tiên Phước-Phước Lâm được giải phóng đã tạo tiền đề quan trọng để giải phóng các huyện đồng bằng, tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam. Có thể nói, tại Tiên Sơn, Tỉnh ủy Quảng Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử chỉ đạo quân và dân của tỉnh tiến hành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương.
 
Vị trí chiến lược của khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam

Thực tế cho thấy, Tỉnh ủy Quảng Nam chọn Tiên Sơn, Tiên Phước làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Quảng Nam là một sự lựa chọn đúng đắn. Vùng Sơn-Cẩm-Hà nói chung và Tiên Sơn nói riêng có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Tiên Sơn như  “Hòn đảo nổi” của Sơn Cẩm Hà-nơi giao nhau của 3 tuyến giao thông chiến lược trọng yếu: đường 534 từ Thăng Bình lên Việt An qua Tiên Sơn, đường 586 từ Quán Rường lên Cẩm Khê (Tam Kỳ) qua Eo Gió (Tiên Cẩm) về Tiên Sơn, đường từ quận lỵ Tiên Phước qua Tiên Châu, Tiên Cẩm đến Tiên Sơn.

Hiện vật tìm thấy trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T
Hiện vật tìm thấy trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T

Với những đặc điểm đó, Tiên Sơn đã trở thành điểm trọng yếu trong vùng Trung Châu (Sơn-Cẩm-Hà) phía Đông-Bắc quận lỵ Tiên Phước, với thế đứng phòng ngự có tầm khống chế cả vùng đồng bằng phía Nam Quảng Nam như Tam Kỳ, Thăng Bình và uy hiếp được các huyện miền núi tiếp giáp như Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, vùng căn cứ của Khu ủy Khu V hoặc ra phía Nam Giang, Hiên.

Từ đây tạo được địa bàn quan trọng, làm bàn đạp để phát triển phong trào cách mạng xuống đồng bằng. Với vị thế chiến lược trọng yếu đó, Tiên Sơn đã trở thành điểm đứng chân lý tưởng cho Tỉnh ủy trong suốt một thời gian dài từ năm 1963 cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
 

Lãnh đạo tỉnh và huyện tặng quà cho các gia đình trụ bám tại Tiên Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. Ảnh: K.T
Lãnh đạo tỉnh và huyện tặng quà cho các gia đình trụ bám tại Tiên Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. Ảnh: K.T

Tiên Sơn cũng là nơi khởi điểm và là đỉnh cao của làn sóng Duy Tân do Lê Cơ thực hiện. Trong 9 năm chống Pháp cùng với Tiên Cẩm, Tiên Hà, xã Tiên Sơn đã tạo thành chiến khu vững chắc. Cũng tại chính mảnh đất này, bọn Quốc dân đảng đã gây ra những vụ thảm sát man rợ vào năm 1955, hơn 200 đảng viên trung kiên và người dân vô tội đã bị chôn sống trong các hầm heo.

Nhưng nhân dân Tiên Sơn vẫn kiên cường bám đất giữ làng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, trở thành “đất thánh” của cách mạng Khu V. Cùng với các đơn vị chủ lực, nhân dân Tiên Sơn đã góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn-Cẩm-Hà” (25-9-1962), góp phần bẻ gãy chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch trong những năm 1963-1964, bảo vệ căn cứ địa của cách mạng.

Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân hoạt động chỉ đạo cách mạng ở Tiên Sơn là nhờ sự giúp đỡ, che chở, đùm bọc của nhân dân. Biết bao tấm gương anh dũng của người dân như ông Nguyễn Xin (ông già Nghiêm), giữ cờ Đảng trong suốt những năm tháng ác liệt nhất, không rơi vào tay giặc trong Xuân Mậu Thân 1968; không ít người dân bị địch xúc tát năm lần, bảy lượt nhưng vẫn tìm đường về với cách mạng như bà Võ Thị Lại, Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Điền, Nguyễn Thị Biên hay chị Nguyễn Thị Hợi (Sâm) đã gửi 4 con nhỏ cho đoàn thể chăm sóc, một mình vào sâu trong lòng địch đến tận Tam Kỳ, Thăng Bình... móc nối cơ sở, nắm bắt tình hình địch để cung cấp cho tổ chức và vận động thanh niên về vùng giải phóng và còn biết bao nhiêu những tấm gương quần chúng tiêu biểu khác đã góp phần làm nên những chiến công anh dũng...

 

Ông Phùng Văn Huy-Phó Chủ tịch UBND huyện nhận hiện vật của khu căn cứ Tỉnh ủy do ông Nguyễn Đức Tuyên-người dân của xã Tiên Sơn trao tặng. Ảnh: K.T
Ông Phùng Văn Huy-Phó Chủ tịch UBND huyện nhận hiện vật của khu căn cứ Tỉnh ủy do ông Nguyễn Đức Tuyên-người dân của xã Tiên Sơn trao tặng. Ảnh: K.T

Vùng chiến khu hôm nay...

40 năm sau ngày giải phóng,
vùng căn cứ địa cách mạng chiến khu xưa Sơn-Cẩm-Hà đã có nhiều đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt, đưa Sơn-Cẩm-Hà trở thành những địa phương điển hình trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong nhiều năm qua.
 

Lịch sử luôn được tri ân bằng những hành động thiết thực, thành kính nhất. Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tại Tiên Sơn giờ đây đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích. Ngày 19-3-2015, trên chính mảnh đất căn cứ năm xưa, UBND huyện Tiên Phước phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam và khánh thành công trình Nhà bia, đường vào Khu Di tích.

Những hiện vật được ông Nguyễn Đức Tuyên-người dân Tiên Sơn tìm thấy trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T
Những hiện vật được ông Nguyễn Đức Tuyên-người dân Tiên Sơn tìm thấy trong khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: K.T

Đây là những công trình chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Tiên Phước và 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của lãnh đạo tỉnh, của Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước, của những cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, hoạt động nơi đây và nhân dân vùng chiến khu xưa Sơn-Cẩm-Hà. Đáp ứng điều kiện cho các đoàn về thăm viếng Khu Di tích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tiên Phước cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ mai sau.

Kim Thiện

Có thể bạn quan tâm