Phóng sự - Ký sự

"Tiến sĩ lúa lai": Bỏ phố về rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quan niệm “Cái gì có thể thay đổi mà mang lại hiệu quả tốt hơn, hãy thay đổi”, PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã lai tạo nhiều giống lúa mới năng suất cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Cũng quan niệm ấy, năm 2016, vợ chồng ông rời Hà Nội chuyển vào xã Ia Bang (huyện Chư Prông) định cư. Bởi theo ông, Gia Lai hội tụ những điều kiện tốt nhất cho sức khỏe, công việc, cuộc sống…
“Cha đẻ” của giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam
Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đường về Hoan Chi Resort của vợ chồng PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan ở xã Ia Bang. Dù đã nhắn tin chỉ đường rất cặn kẽ từ ngày trước nhưng hôm sau, ông Hoan vẫn liên tục gọi điện thoại vì lo chúng tôi bị lạc đường. Sau chừng 40 phút chạy xe từ TP. Pleiku, chúng tôi đến trang trại rộng hơn 11,5 ha của gia đình ông Hoan. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 2 tiếng trong ngôi nhà nhỏ giữa mênh mông cây cối đã giúp chúng tôi hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của người được mệnh danh là “cha đẻ” của giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Hoan sinh năm 1947 ở tỉnh Phú Thọ. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học ở Bulgaria, ông về công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Đến năm 1990, giảng viên Nguyễn Văn Hoan bắt tay vào nghiên cứu lúa lai. “Thời đó, nước ta phải nhập giống lúa lai từ Trung Quốc về nên chi phí cao. Mặt khác, lúc này trong nước ít người nghiên cứu về lúa lai. Chính những điều đó đã thôi thúc tôi nghiên cứu lai tạo lúa. Phải mất 4 năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, nhiều lần nổi điên với chính mình, tôi đã tạo ra giống lúa lai đầu tiên mang tên Việt Lai 20”-ông Hoan kể. Giống lúa này được lai từ giống lúa mẹ 103S và giống bố R20. Đây là giống lúa ngắn ngày với năng suất 7-8 tấn/ha, hạt dẻo, thơm và phù hợp với nhiều nơi khác nhau, trong khi giống lúa thuần chỉ đạt 4-5 tấn/ha mà chất lượng gạo không ngon. “Việc tôi lai tạo thành công Việt Lai 20 đã giúp cho nước ta chủ động nguồn giống, tăng thu nhập nên được bà con ủng hộ lắm. Ngoài ra, chúng ta cũng giảm được khoảng 60-70% số tiền mua lúa giống của nước ngoài. Thành công từ việc lai tạo và sự ủng hộ của nông dân cả nước đã tiếp thêm động lực giúp tôi tiếp tục cho ra đời nhiều giống lúa lai khác có năng suất cao, kháng bệnh tốt hơn”-ông Hoan hồi nhớ.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan giới thiệu các giống lúa đang lai tạo tại trang trại của gia đình ở xã Ia Bang (huyện Chư Prông). Ảnh: Hoành Sơn
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan giới thiệu các giống lúa đang lai tạo tại trang trại của gia đình ở xã Ia Bang (huyện Chư Prông). Ảnh: Hoành Sơn
Năm 2006, khi Viện Nghiên cứu lúa được thành lập, PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan được bổ nhiệm làm Giám đốc. Trong thời kỳ làm Giám đốc Viện, ông Hoan cùng các cộng sự đã tiếp tục lai tạo nhiều giống lúa Việt Lai có năng suất cao, kháng bệnh tốt, được nông dân trong cả nước chọn trồng. Năm 2015, ông nghỉ hưu sau một lần bị tai biến mạch máu não.
Tổng kết 40 năm công tác của mình, PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan cho rằng, chính quan niệm “Cái gì có thể thay đổi mà mang lại hiệu quả tốt hơn, hãy thay đổi” đã giúp ông lai tạo thành công nhiều giống lúa cùng một số cây trồng khác và được nhiều người yêu quý, nể trọng vì tinh thần cống hiến cho nông nghiệp nước nhà. Thế nhưng vì quan niệm đó mà ông gặp không ít phiền toái. Ông Hoan bộc bạch: “Tôi là người ngang tính và luôn muốn thay đổi những cái có thể thay đổi được. Vì thế, thời kỳ đầu ở Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, khi được phân công làm cán bộ phụ trách Đoàn trường, tôi kéo anh em ra khu đất trống của trường trồng trọt tăng gia. Như nay thì bình thường nhưng với thời ấy là vi phạm. Vì thế mà có người viết đơn kiện đòi đuổi tôi ra khỏi trường. May mắn là khi ấy, anh Hiệu trưởng rất quý và chia sẻ nên bỏ qua chứ không thì tôi đã sang một ngã rẽ khác. Mà nếu vậy thì chắc gì có Nguyễn Văn Hoan như ngày nay”.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Vũ Thị Kim Chi không ngần ngại chia sẻ một vài kỷ niệm về việc nghiên cứu giống lai của chồng mình. “Anh Hoan xuất thân từ gia đình làm nông nên cuộc đời gắn liền với hạt lúa, củ khoai. Anh ấy cứ đi biền biệt, chả mấy khi về nhà. Còn tôi thì vừa lo việc cơ quan lại phải lo chăm con cái ăn học. Thời anh ấy lai tạo thành công giống lúa Việt Lai 20, người ta tới nhà trả tiền lúa giống, tôi không biết nguồn gốc tiền đâu mà nhiều thế, cứ ngẩn người ra rồi nghĩ điều không hay. Sau đó, anh Hoan lai tạo thành công giống khoai tây. Người ta chở hàng xe củ khoai tây đến nhà để trả công nghiên cứu giống, tôi không biết làm sao đành mang ra chợ bán. Vì thời đó hiếm khoai tây, người ta giành nhau mua, tiền thu về nhiều lắm. Mọi người còn xúm vào đếm tiền giúp do tôi tính chậm. Nghe họ quy tiền đó bằng mấy chỉ vàng mà tôi cứ nghĩ là mơ”-bà Chi nhắc nhớ.
Nặng tình với Gia Lai
Hoan Chi Resort là cái tên mà cô con gái đầu đang công tác tại một trường đại học ở Singapore đặt cho trang trại của vợ chồng ông. Đặt để cho mọi người dễ tìm đường đến khi cần. Cũng là để nhớ đến những cống hiến của ông bà trong những năm qua. Trang trại này được ông mua từ năm 2001. Mãi đến năm 2016, vợ chồng ông mới chuyển vào ở hẳn.  
Đưa mắt nhìn ra khoảnh vườn xanh mướt, ông Hoan khẽ khàng nói về lý do chuyển vào Gia Lai: “Từ năm 1979, tôi đã đặt chân đến Gia Lai và có một chuyến bay khảo sát địa hình bằng trực thăng. Sau đó, tôi kiến nghị với tỉnh, Trung ương nên xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ. Rồi tôi đi nhiều nơi trong cả nước nhưng chưa thấy nơi nào có diện tích trồng lúa nhiều, năng suất cao như Gia Lai. Tôi mê mẩn khi đứng trước cánh đồng lúa ở huyện Phú Thiện và ở xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Vì lý đó mà tôi gom góp tiền mua đất ở xã Ia Bang này. Mà chính vợ tôi là người đưa ra chủ kiến này. Cũng có người nói gia đình tôi bị điên khi rời Hà Nội vào Gia Lai ở nhưng chúng tôi bỏ ngoài tai”.
Tiến sĩ Hoan (áo xanh) chia sẻ với chúng tôi về các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Ảnh: Hoành Sơn
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (bên phải) chia sẻ với chúng tôi về các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Ảnh: Hoành Sơn
Còn 2 nguyên nhân khác đã níu giữ vợ chồng PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan ở lại với mảnh đất Gia Lai là khí hậu mát mẻ phù hợp với độ tuổi “xưa nay hiếm” của ông bà. Điều còn lại là có một thầy lang chuyên châm cứu y học cổ truyền giúp cải thiện sức khỏe của ông sau tai biến. “Hai vợ chồng tôi đều bị bệnh nặng. Chỉ có ở trong này với khí hậu mát mẻ, trong lành mới giúp cơ thể khỏe hơn. Chồng tôi may mắn gặp một thầy lang có tay nghề cao điều trị bệnh tai biến. Khi vào đây ở, ông ấy liệt nửa người và không nói được nhiều nhưng bây giờ có thể đi lại, nói năng bình thường nhờ châm cứu. Do vậy, chúng tôi quyết định định cư ở đây luôn. Cũng phải “trần lưng” ra làm thì vườn rẫy mới được như nay đấy”-bà Chi cho hay.
Chuyển vào Gia Lai sinh sống, cha đẻ của lúa Việt Lai 20 tiếp tục công việc nghiên cứu lai giống. Từ những tổ hợp lúa lai trong nhà kính tại xã Ia Bang, PGS-TS. Hoan cho ra đời giống lúa lai Hạt Vàng 36. Giống lúa này có ưu điểm kháng đạo ôn, cơm ngon, năng suất đạt 11-12 tấn/ha. Với ông, Hạt Vàng 36 là một sự trả ơn đối với mảnh đất Gia Lai đã cưu mang trong những tháng năm của tuổi xế chiều. “Sau khi nghỉ hưu, tôi định không nghiên cứu lai lúa nữa. Thế rồi có một lần xuống Phú Thiện, anh Rơ Chăm La Ni-Chủ tịch UBND huyện chạy xe máy chở đi tham quan đồng ruộng khiến tôi cảm động vô cùng. Khi trở về, thấy trân quý tấm thịnh tình mà người trong này dành cho mình, tôi quyết định lai một giống lúa mới nhằm giúp nông dân Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung có thêm thu nhập. HC36 ra đời sau đó nhưng khi chuyển giao cho Công ty cổ phần hạt giống vàng Thái Bình thì đổi tên thành Hạt Vàng 36. Bây giờ thì không riêng Gia Lai mà nhiều nơi khác trong cả nước trồng giống lúa này rồi. Tôi cũng có thêm thu nhập. Ví như mới đây, Công ty cổ phần hạt giống vàng Thái Bình chuyển cho tôi 80 triệu đồng tiền bản quyền bán lúa giống”-Tiến sĩ lúa lai thổ lộ.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan bên giống cây bơ do ông lai tạo. Ảnh: Hoành Sơn
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan bên giống cây bơ do ông lai tạo. Ảnh: Hoành Sơn
Hiện nay, ngoài tiếp tục triển khai lai tạo 3 tổ hợp lúa lai trong nhà kính tại trang trại của gia đình, PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan cũng đã lai tạo thành công 1 giống bơ với nhiều ưu điểm vượt trội. Giống bơ này được lai tạo giữa giống bơ booth với giống bơ ở Chư Prông có vỏ dày, hình tròn, hạt dễ tách khỏi phần thịt trong quả, đạt năng suất 7-10 tạ/cây. Ông Hoan cho biết thêm: “Tôi lai tạo giống bơ này nhằm giúp khâu sản xuất của các doanh nghiệp thuận tiện hơn. Quả tròn dễ cắt. Vỏ cứng nên lúc xoay trong máy không bị nát và dùng làm phân bón. Hạt dễ tách rời ra để chuyển sang một công đoạn khác là xay thành bột vì dinh dưỡng rất cao. Tôi cũng đã lai thành nhiều loại giống bơ có thể ra quả trong 3 thời điểm khác nhau trong năm. Tôi đang chờ doanh nghiệp liên kết sản xuất giống để bán cho bà con trong và ngoài tỉnh trồng nhằm tăng thu nhập”.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn với nhiều giống cây đã lai tạo thành công như: lúa, bơ, dổi… nhà khoa học về lúa lai Nguyễn Văn Hoan tiết lộ rằng đang ấp ủ một dự định: “Tôi đặt ra mục tiêu là sẽ tạo ra một loại giống lúa lai cho năng suất 15 tấn/ha/2 vụ. Như vậy với 300 ngàn ha trồng lúa thì cả Tây Nguyên sẽ có 4,5 triệu tấn lúa/năm. Điều này sẽ đưa Tây Nguyên trở thành vựa lúa của cả nước, hơn cả đồng bằng Bắc Bộ. Tôi phải làm xong việc này mới nhắm mắt xuôi tay”.
HOÀNH SƠN - ĐỖ DOANH

Có thể bạn quan tâm