Du xuân

Tiếng trống của người Ma Coong trên đỉnh Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến hẹn lại lên, cứ vào đêm 16 tháng Giêng Âm lịch những bản nhỏ của người Ma Coong  trên đỉnh Trường Sơn lại rộn rã với tiếng trống hội tình yêu. Mùa Xuân đến, lễ hội đập trống lại được người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đón chờ.

Náo nức vào hội

Xã vùng cao Thượng Trạch nằm lọt thỏm giữa rừng núi Trường Sơn hùng vĩ, cách động Thiên Đường của khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng hơn 40 km. Giáp với nước bạn Lào, những bản nhỏ nơi đây là khu vực sinh sống của gần 300 hộ người Ma Coong. Để đến được với lễ hội, chúng tôi ngược theo con đường 20 Quyết Thắng vào bản Cà Roòng 1.

 

Chủ tịch UBND xã và thầy giáo miền xuôi say sưa đập trống. Ảnh: Hiền Lê

Từ buổi chiều ngày 16, từ trên các triền núi, trong các bản nhỏ sâu ẩn dưới tán rừng Trường Sơn, đồng bào Ma Coong sặc sỡ áo váy đã háo hức đổ về trung tâm bản Cà Roòng 1 để sẵn sàng lắc lư với rượu nồng và trống hội. Để có một lễ hội thành công, người Ma Coong phải chuẩn bị nhiều thứ từ giữa năm. Tìm một tấm da bịt trống tốt, trưởng bản phải chọn những tấm da trâu tốt rồi phơi khô cất cẩn thận từ trước. Những sợi mây chốt trống cũng phải chọn những sợi mây thật tốt rồi đem luộc trong nồi đồng, chuốt kỹ.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, ngồi với ché rượu cần vít cong bên bếp lửa bập bùng trước giờ vào cúng Giàng khai hội, già làng Đinh Năng kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết bắt nguồn lễ hội độc đáo này với giọng trầm chậm rãi: Ngày xưa người Ma Coong nghèo khổ nên không có Tết. Làm lụng tất bật nhưng bao nhiêu của cải làm được đều bị con khỉ già lấy mất. Vì trong tay khỉ già có chiếc trống  thần nên vào mùa thu hoạch, khỉ già chỉ cần đánh vào chiếc trống thần thì bao nhiêu lúa bắp, của cải của dân bản đều chạy theo khỉ già cả. Đời sống của dân bản vì thế triền miên trong đói khổ.

Tức giận, người Ma Coong bày mưu, nghĩ kế để lấy trống thần từ tay khỉ già. Vào một đêm tháng Giêng trăng sáng vằng vặc, khỉ già quá no say, ngủ như chết, chủ làng sai người tới nhà khỉ già lấy trống thần về và đánh cho thủng trống. Từ đó dân bản không bị mất của, làm ăn no đủ con cháu không bị đau ốm. Và cũng từ đây khi lúa bắp trên nương đã được đưa về cất trong nhà, vào đêm trăng sáng người Ma Coong lại mở hội đập trống nhảy múa để mừng mùa trăng mới và coi đó như là ngày Tết của dân tộc mình. Và lễ hội đó được duy trì cho đến nay.

Cũng như các tộc người sống dựa vào rừng khác, đối với người Ma Coong thì Giàng vẫn là đấng tối thượng. Chính vì thế mà trước khi vào hội, già làng phải làm lễ cột hồn, cúng đất để xin Giàng. Những lễ vật trong mâm lễ cúng Giàng vẫn giữ được nguyên bản như ngày xa xưa. Dân bản bắt cá từ dưới sông, bẫy gà từ trong rừng, lấy rượu cần từ cây đoác, lấy đọt mây thay muối, lấy hoa chuối rừng thay cơm để làm lễ cúng Giàng. Trước ngày lễ mỗi bản nộp một hũ rượu để cúng Giàng và uống trong lễ hội.

Đêm của tình yêu

Trong lễ hội này người Ma Coong không ăn gì cả, chỉ uống rượu cần và nhảy múa thâu đêm. Say quá, mệt quá thì ngủ, tỉnh lại tiếp tục nhảy múa và đập trống. Dùi đập trống phải là cây lồ ô, nứa rừng không được dùng cây gỗ. Trống phải được đập theo nhịp nhưng phải đập cho đến khi trống thủng. Trống được đập thủng thì mùa màng năm sau của dân bản mới no đủ. Nếu đến nửa ngày hôm sau trống vẫn chưa thủng thì sau ba ngày già làng phải làm lễ cúng và lấy giáo đâm thủng trống. Nhưng ít khi già làng phải làm cái công việc kém may mắn này bởi nam thanh nữ tú trong bản đều cố để đập cho vỡ trống trong men rượu ngất ngây.

Trong men rượu cần, nam nữ vừa trổ tài đánh trống vừa nhảy và hét vang “zoa lữ Giàng ơi” (sướng quá trời ơi). Tất cả quyện vào nhau, vai khoác vai cùng vui theo nhịp trống. Mặt trống rung lên bần bật không ngừng, không  nghỉ, hòa cùng tiếng chiêng cộng thành âm hưởng dậy trời giữa đại ngàn Trường Sơn. Khi đêm đã khuya, trăng càng sáng, trống đã thủng thì từng đôi, từng đôi lặng lẽ nắm tay nhau đi.

Và lễ hội bắt đầu vắng thưa người để nhường chỗ cho những âm vị ngọt ngào của tình yêu. Từng đôi, từng đôi, dập dìu nắm tay nhau đi xuống suối, đi vào rừng, tìm đến những hốc đá, gốc cây để tìm ở nhau những hương vị tình nồng… bởi  trong đêm ấy họ không có biên giới. Đàn bà, đàn ông tự nguyện tìm đến nhau để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường. Khi tiếng gà rừng gáy sáng đến lần thứ tư, họ mới buông nhau, hẹn mùa đập trống năm sau, rồi về với nhà mình. Tan hội họ về cùng gia đình, vợ chồng tìm lại nhau, người yêu tìm đến người mình yêu, không ghen tuông, không hờn giận, rồi lại lên rẫy chuẩn bị cho một vụ mùa mới và nghĩ về hội đập trống năm sau…

Hiền Lê

Có thể bạn quan tâm