Thời sự - Bình luận

Tiêu dùng thông thái giữa “ma trận” hàng hóa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần cũng là lúc nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao, nhất là mặt hàng bánh kẹo, rượu, thực phẩm, mứt Tết.

Vì thế, đây cũng là thời điểm mà “gian thương” tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thật giả lẫn lộn nhằm trục lợi trên niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.

Phát biểu tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 11-1 vừa qua, ông Đỗ Hồng Trung-Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia-nhận định: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước phải đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một tinh vi, phức tạp. Trong đó, tình trạng buôn lậu diễn ra tại một số địa bàn có đường biên giới như: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang.

Theo thống kê, năm 2023, ngành Hải quan đã bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 474 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Có thể thấy, việc buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, đặc biệt diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Tết Nguyên đán đang cận kề, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng là bánh kẹo, rượu ngoại, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an tỉnh này kiểm tra 1 xe ô tô và phát hiện 2.670 kg thực phẩm các loại và nhiều mặt hàng khác do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Công an tỉnh Quảng Trị cũng vừa phát hiện 1 phương tiện vận chuyển 2.148 chai rượu các loại, dán các nhãn hiệu nước ngoài (tổng trị giá trên 700 triệu đồng), do các đối tượng thu mua trôi nổi trên nhiều địa bàn trong tỉnh để vận chuyển ra các tỉnh, thành phố phía Bắc bán kiếm lời.

Gia Lai không ngoại lệ khi tình hình buôn bán gian lận, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Ngày 11-1, Công an huyện Chư Pưh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) tiến hành kiểm tra và phát hiện hộ kinh doanh T.M.S. đang sử dụng trang mạng xã hội Facebook có tên “Thiện Mai 2hand” để livestream bán hàng; trong đó có nhiều bộ quần áo thể thao không có căn cứ để xác định nguồn gốc xuất xứ. Đầu tháng 11-2023, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Pleiku) kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop) tại địa chỉ 121/5 Lê Đại Hành (tổ 3, phường Đống Đa, TP. Pleiku) thì phát hiện hộ kinh doanh này đang livestream bán hàng và chốt đơn. Trong khu vực kho, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều nhãn hàng nước hoa: Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Dior, Boss, Sauvage, Lancome, Louis Vuitton; giày, dép, túi xách các thương hiệu nổi tiếng; mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc cùng rất nhiều hàng gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Hành vi vi phạm tại hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.

Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát song hàng giả, hàng nhái vẫn len lỏi, trà trộn trên thị trường. Trước tình hình đó, mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái, tỉnh táo. Trước khi mua một món hàng, ngoài lựa chọn địa chỉ tin cậy thì cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng về nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm nhận diện thương hiệu, hạn sử dụng trên bao bì. Bên cạnh đó, cần bỏ qua tâm lý “sính ngoại”, dành nhiều niềm tin hơn cho các mặt hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc cụ thể, rõ ràng.

Có thể bạn quan tâm