Tìm về cây cao su "tổ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, khắp Bắc Tây Nguyên đâu đâu cũng thấy ngút ngàn những vạt rừng cao su xanh bằng bặng, uốn lượn nhấp nhô theo từng lũng thấp triền cao. Cảnh quan đó trước đây chỉ lác đác ở Nam Tây Nguyên, khu vực Bắc Tây Nguyên chưa từng có.

Chỉ đến ngày thành lập các công ty cao su ở Gia Lai-Kon Tum thì xứ sở này mới xuất hiện loài cây đã từng nổi tiếng của vùng Đông Nam bộ gần trăm năm trước, với những câu ca dao não nuột lòng người: “Cao su xanh tốt lạ đời/Mỗi cây bón một xác người công nhân!”; hay: “Trời mưa ướt lá cao su/Ướt em, em chịu-ướt mùa thu em buồn!”…

 

Cây cao su bên mộ Yersin. Ảnh: T.V

Nguyên là sau ngày thống nhất đất nước được ít năm, Tổng Bí thư Lê Duẩn cho gọi ông Tư Nguyện-Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam lúc bấy giờ, gợi ý nên đưa thử nghiệm cây cao su lên Tây Nguyên để phát triển kinh tế, ổn định dân sinh không? (Trước đây người Pháp và chính quyền Sài Gòn cũng đã từng trồng thử nghiệm trên khu vực này, nhưng xem ra không mấy thành công nên không phát triển đại trà).

Thế là ông Tư Nguyện mở ngay chiến dịch khảo sát và thử nghiệm. Thấy đạt, bèn cho phát triển khắp Nam-Bắc Tây Nguyên.

Lịch sử cây cao su đến Việt Nam gắn liền với tên tuổi một người Thụy Sĩ quốc tịch Pháp nhưng sống, cống hiến và chết tại Việt Nam, đã trở thành danh nhân văn hóa Việt Nam. Đó là Bác sĩ Yersin, tên gọi thân mật là Ông Năm.

Tháng 10-1897, bác sĩ Yersin bắt đầu trồng thử nghiệm những cây cao su đầu tiên (lấy giống từ Xây-lan và Malaixia) ở Trại chăn nuôi Suối Dầu, cách Nha Trang chừng 20 km. Yersin đã biết trước ông 20 năm-năm 1877-nhà thực vật học Pièrre đã trồng thử nghiệm cây cao su ở Vườn Thực vật Sài Gòn, nhưng không có kết quả. Đến năm 1905, khi thu được những ký mủ đầu tiên, Yersin mang sang Pháp chào hàng. Được Tập đoàn Cao su Michelin kiểm nghiệm và công nhận chất lượng tốt, thỏa thuận thu mua, Yersin… thở phào nhẹ nhõm! Ông liền phổ biến cho bà con trong vùng mạnh dạn trồng loại cây quá mới mẻ này!

Những nhà tư bản Pháp ở Đông Dương “đánh hơi” rất nhanh nhạy, thấy thử nghiệm của Yersin thành công, thế là họ vội vã lấy giống cao su này phát triển đại trà khắp vùng Đông Nam bộ, biến nơi này thành “vương quốc cao su” của Việt nam. Đến tháng 11-1911, tại triển lãm quốc tế về cao su ở London-Vương quốc Anh, cao su Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá cao và có thương hiệu.

Trong một bài viết, nhà văn Nguyễn Gia Nùng cho biết, ngày nay, “ngôi mộ của Yersin nằm trên một ngọn đồi cao lộng gió trong khu vực Trại chăn nuôi Suối Dầu được trân trọng xếp hạng Di tích Quốc gia, luôn được người dân ở đây chăm sóc, du khách từ khắp bốn phương đến viếng mộ, thắp hương cho ông. Đây đó vẫn còn những cây cao su trồng từ những năm nào đã thành cổ thụ, gen của chúng được lưu giữ trong bảo tàng gen về cây cao su ở Việt Nam…”.

Chúng tôi tìm về Trại chăn nuôi Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) để viếng mộ Ông Năm và “mục sở thị” những cây cao su ngày xưa còn sót lại. Khu mộ Ông Năm (được xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 993/QĐ ngày 28-9-1991 của Bộ Văn hóa-Thông tin) tĩnh lặng giữa vạt rừng thâm u thanh tịnh. Gần sát mộ hiện nay còn 3 cây cao su từ thời trồng thử nghiệm, lặng lẽ đứng lẫn vào những cây rừng khác, nếu không có những tấm biển nho nhỏ gắn trên cây và câu xác tín khắc trên bia mộ tiểu sử Yersin: “Di thực cây cao su vào Việt Nam năm 1897 và cây canhkina năm 1917” thì khó nhận ra 3 cây cao su này. Vì phải “đấu tranh sinh tồn” để tìm quang hợp mặt trời giữa một rừng cây chen nhau bên cạnh, nên 3 cây cao su mặc dù đã 120 năm tuổi mà vẫn ít có dáng dấp cổ thụ, trừ đoạn gốc nổi xù xì những “nu” gỗ.

Bà Gabrielle M. Vassal (người Anh, vợ một bác sĩ người Pháp-N.V) đến Nha Trang, có viết trong ký sự “Ba năm ở Nha Trang” (lược trích): “Khi chúng tôi tới Nha Trang năm 1904, ngôi nhà chính của Viện (Pasteur-N.V) sắp sửa hoàn thành… Đó là lý do tại sao người ta đặt trạm chăn nuôi thú vật tại đảo Hòn Tre và tại Suối Giao (Suối Dầu-N.V)… Suối Giao là “Nhượng địa của Yersin”, theo tên gọi trên các bản đồ, là một sở đất rộng, cách Nha Trang mười tám cây số, do chính quyền thuộc địa cấp riêng cho bác sĩ Yersin. Lúc đầu, nơi đây người ta trồng thuốc lá, cà phê, cây cô ca, từ cây này người ta trích ra chất cô-ca-in. Ngày nay, cây cao su (Hoeuvea bresiliensis) được trồng khắp nơi và đã thu gặt được rồi. Mấy năm gần đây, hơn một tấn cao su quý giá này đã được thu hoạch… Nhiều phòng thí nghiệm lớn đã được lập nên để nghiên cứu cây cao su và các ứng dụng công nghệ của nó. Qua đó, bác sĩ Yersin cho thấy ở Trung kỳ chỗ nào người ta có thể khai khẩn trồng trọt những giống cây mới, hầu làm giàu cho đất thuộc địa này”.

Đến năm 1933, trong chuyến tuần du phương Nam, cựu hoàng Bảo Đại cũng đã từng đến “ngự lãm” nơi này. Bài tường thuật “Ngự giá Nam tuần hành trình ký” có đoạn viết (lược trích): “4 giờ 55 phút (ngày 19-2-1933-N.V), Ngự lãm Sở đồn điền Suối Dầu, thuộc về Sở Thí nghiệm Institut Pasteur của bác sĩ Yersin lập ra từ năm 1897… Diện tích 300 mẫu Tây, trồng cao su và trồng cây kè dầu… Hai bên bờ suối thuộc đất bồi sa, trồng cao su lên tốt lắm. Đã 15 năm nay Sở này giao cho ông Gallois làm quản lý. Viên này cung đạo Ngài ngự lãm các sở nuôi súc vật và chỗ luyện mủ cao su, có các máy ép làm thành tấm mỏng rồi đem xuất cảng”.

Trầm mặc tưởng niệm Ông Năm, ngắm nhìn những gốc cao su cổ thụ sần sùi vô cùng quý giá may mắn còn sót lại, chợt nghĩ: có lẽ phải nên tôn vinh đây là những “cây cao su tổ”, như cây nhãn tổ ở thành phố Hưng Yên, cây chè tổ ở Tân Cương-Thái Nguyên vậy.

Có nên chăng, hãy gọi những gốc cao su cổ thụ còn sót lại bên mộ Yersin là cây cao su tổ!

 Tạ Văn

Có thể bạn quan tâm