Kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn. |
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: hồi 19 giờ ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 420 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đ ến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc bộ. Đến 7 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Nam Vịnh Bắc bộ, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng- Nghệ An khoảng 200 km về phía Đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đ ến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km. Như vậy, khoảng trưa và chiều 17-7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Đến 19 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khỏang 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên địa phận các tỉnh Hải Phòng- Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62-88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 18-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên địa phận tỉnh Yên Bái. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10- 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 18-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc, 103,4 độ Kinh Đông trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12; giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Từ đêm 16-7, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6- 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11; giật cấp 12, cấp 13. Từ sáng 17-7, ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2- 4 m. Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.
* Để đối phó với bão số 1 đang diễn biếp phức tạp, các địa phương dự báo bị ảnh hưởng tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh.
Chiều 16-7, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình phải lùi cuộc họp Hội đồng nhân dân sớm 1 ngày để tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các huyện nhằm triển khai phương án đói phó với bao số 1.
Đến chiều cùng ngày, thành phố Hải Phòng gió mạnh dần lên. Để chủ động phòng chống bão số 1, đến 16 giờ, cơ bản tàu thuyền của thành phố Hải Phòng đã được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đang phối hợp với các địa phương tiếp tục thông báo, liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản khẩn trương về nơi tránh bão an toàn, ngăn chặn và không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện ra hoạt động trên các khu vực nguy hiểm.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải hiện là nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão nhất. Huyện Cát Hải hiện có 10.400 nhân khẩu, trong đó có khoảng 4.000 người là người già và trẻ em. Vì vậy, công tác di dời người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ đến nơi an được khẩn cấp triển khai. Đây cũng là nơi có hơn 20km đê biển, trong đó có 8km đê trực tiếp đối diện với biển, tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 2 km có khả năng chống chọi với bão cấp 10. Với bão cấp 11, giật cấp 13 như dự báo, các tuyến đê, kè của huyện này sẽ khó trụ nổi.
Đến 21 giờ ngày 16-7, huyện Cát Hải đã chỉ đạo lượng Công an các xã, thị trấn đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự trước, trong và sau bão. Ban chỉ huy phòng chống lụt và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn ở sát biển như Đô Lương, Cát Hải kết hợp với Hạt quản lý đê điều Cát Hải kiểm tra các vị trí đê, kè, cống xung yếu chuẩn bị các phương án cứu hộ đê. Tính đến 21 giờ 30 phút, tại đảo Cát Hải đã sơ tán được 2.329 hộ dân ra khỏi vị trí nguy hiểm, trong đó thị trấn Cát Hải có 276 hộ bao gồm những người già, trẻ em, phụ nữ và gia đình chính sách. 500 phương tiện của huyện Cát Hải đã được di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn. Tại đảo Cát Bà, số người phải sơ tán ngay trong đêm 16-7 là 297 người.
* Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương vừa có cuộc họp khẩn cấp triển khai các phương án chủ động đối phó với cơn bão số 1. Theo đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện thị xã thành phố trong tỉnh tổ chức tốt công tác thường trực, trực ban chống lụt bão, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết, thủy văn, tham mưu kịp thời giúp Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Các hạt quản lý đê điều tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc lực lượng tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật các sự cố đê điều trong mọi tình huống.
Theo VOV