Kinh tế

Tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tín dụng chính sách đạt mức tăng trưởng khá, doanh số thu nợ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm. Đây được xem là những điểm nhấn quan trọng của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh khi kết thúc quý II năm 2014.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai từ năm 2013. Ảnh: Đức Thụy

Tính đến hết tháng 6-2014, tổng nguồn vốn toàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh đạt 2.723,4 tỷ đồng, tăng 116,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nguồn vốn trung ương là 2.548,9 tỷ đồng, tăng 112,5 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 93,5% nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 144,3 tỷ đồng, tăng 9,497 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 5,3% nguồn vốn; nguồn vốn ngân sách tỉnh 30,087 tỷ đồng, chiếm 1,31% nguồn vốn. Trên cơ sở kế hoạch đã duyệt, trong những tháng đầu năm phía Ngân hàng Trung ương giao vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh là 148 tỷ đồng, đến cuối tháng 5 Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh tiếp tục đề xuất và đã được Trung ương phân bổ thêm 90 tỷ đồng.

Với nguồn vốn dồi dào là một thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh trong việc triển khai các chương trình, đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đồng thời trở thành cánh tay hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Doanh số cho vay đến ngày 30-6 đạt 526,2 tỷ đồng, bằng 169,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó tập trung ở một số chương trình tín dụng như: hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên... Riêng chương trình cho vay hộ cận nghèo dù mới được triển khai từ năm 2013 nhưng dư nợ đã gần 290 tỷ đồng. Theo nhận định của ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, hiện nay dư nợ cho vay hộ nghèo đã đạt gần 1.000 tỷ đồng, ở một số địa phương như thị xã An Khê, TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa tỷ lệ hộ nghèo trên danh sách thống kê còn rất ít và hầu hết bà con đã được tiếp cận với nguồn vốn chính sách và từ các chương trình khác. Trong khi đó, tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,67%, nhu cầu vay vốn của đối tượng này đang gia tăng nhưng nguồn vốn cân đối từ Trung ương khá ít và phải điều chuyển qua từng năm. Để tránh tình trạng tái nghèo và đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững thì ngân hàng đang xem xét điều chuyển vốn từ chương trình khác, tập trung vốn cho vay hộ cận nghèo.  

Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng, chất lượng tín dụng đã được củng cố bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện nên doanh số thu nợ đạt 396,277 tỷ đồng (bằng 169,4% so với cùng kỳ năm 2013). Từ nguồn thu nợ quay vòng Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh đã tiếp tục cho vay mới, nâng cao hiệu quả luân chuyển vốn, sử dụng vốn. Trên cơ sở kết quả đạt được của quý II, dự kiến doanh số thu nợ cả năm sẽ đạt khoảng 700 tỷ đồng, bổ sung đáng kể vào nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm