Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, hoạt động tín dụng chính sách có rất nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở

Năm 2017, huyện Ia Pa đã điều chuyển 1 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nâng tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác lên 2,9 tỷ đồng, cao thứ hai trong tỉnh, sau huyện Krông Pa (3,18 tỷ đồng). Đây là nỗ lực rất lớn của huyện Ia Pa, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng CSXH, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

 

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững (ảnh minh họa).
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững (ảnh minh họa).

Với sự ủng hộ từ cơ sở, cộng với nguồn vốn phân bổ của Trung ương, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Trong cơ cấu tín dụng của Phòng Giao dịch, tỷ lệ dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm 42%, hộ cận nghèo chiếm 17,5%, hộ mới thoát nghèo chiếm 6,7%. Nhờ đầu tư tín dụng chính sách đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ia Pa trong năm 2017 đã giảm đáng kể (760 hộ thoát nghèo).   

“Bây giờ, người dân không còn ngại khi vay vốn ngân hàng. Ngược lại, họ rất phấn khởi bởi Nhà nước ưu tiên cho vay”-ông Kpă Khen (chi hội Nông dân thôn Ama Ring II, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho biết. Chỉ riêng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn do ông Khen phụ trách, dư nợ đạt 1,1 tỷ đồng/49 tổ viên. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con đã mạnh dạn mua bò để nuôi hoặc đầu tư sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả. Không riêng gì ở thôn Ama Ring II, nguồn vốn chính sách đã tích cực rót về các tổ vay vốn và tiết kiệm khác trên địa bàn xã Ia Ma Rơn, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm được 5,64% (hơn 100 hộ).

Có thể nói, một trong những điểm sáng của tín dụng chính sách năm 2017 là sự gia tăng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong năm, nguồn vốn này đã tăng 26,603 tỷ đồng (tăng 33,04% so với năm 2016). Cụ thể, nguồn vốn ngân sách tỉnh tăng 16 tỷ đồng; 17 huyện, thị xã, thành phố tăng 10,603 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH lên 107,116 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy vai trò tín dụng chính sách

Ngân hàng CSXH Gia Lai là một trong các chi nhánh có chất lượng tín dụng tốt nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 7 toàn hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam về quy mô dư nợ tín dụng khi đạt gần 4.000 tỷ đồng. Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng CSXH Gia Lai đạt gần 10%, trong khi toàn hệ thống là 8%. Điều này cho thấy, Trung ương rất quan tâm phân bổ nguồn lực tín dụng cho tỉnh ta. Trên nền tảng kết quả năm 2017, trong năm 2018, Ngân hàng CSXH  tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 8-10%, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%/tổng dư nợ. “Chúng tôi tiếp tục tập trung vốn cho vay đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã nông thôn mới.

Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đầu tư đúng đối tượng và nâng dần mức cho vay bình quân/hộ, đáp ứng kịp thời vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết. Bên cạnh đó, Chi nhánh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai một số chương trình tín dụng mới như: cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Năm 2018, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị cơ sở cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động bà con vay vốn chính sách bởi đây là kênh vốn rất hữu hiệu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở những địa bàn mà nguồn vốn thương mại chưa vào được. Các tổ chức hội, đoàn thể cần phát huy vai trò của mình, phối hợp với Ngân hàng CSXH xây dựng chương trình hành động thanh niên lập nghiệp, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm