Vừa kêu lỗ 16.586 tỉ đồng tháng trước, tháng này một Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị “cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời”.
EVN vừa phát tín hiệu, thậm chí có đề nghị điều chỉnh giá điện bán lẻ "một cách kịp thời". Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn |
EVN, dù “hỗ trợ chống dịch” hơn 3.000 tỉ đồng, nhưng năm 2021 vẫn lãi 18.000 tỉ. Và kèm theo đó là cam kết “Không tăng giá điện trong năm 2022”.
Thật sự là phải cảm ơn EVN, cảm ơn Chính phủ. Bởi, cùng với lương cơ bản, suốt từ 2019 đến giờ, giá điện đã không tăng.
Nhưng có vẻ như EVN đang phát đi một tín hiệu.
Báo cáo tài chính được EVN công bố cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn này lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỉ đồng. Tới hôm 23.9, tới lượt ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, đã đề nghị “cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời”.
Bởi theo ông Hải, giá thành khâu phát điện, chiếm tỉ trọng đến 82,45% trong giá thành điện thương phẩm - tăng quá cao. Nguyên nhân: Giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào đang tăng quá mạnh.
Phó Tổng Giám đốc EVN đưa một ví dụ là giá than than nhập tháng 8 đã lên tới 417,4 USD/tấn, tăng đến 3,48 lần so với tính toán kế hoạch.
Theo tính toán của EVN, giá điện năm 2022 ở mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn khoảng 2,74% so với mức giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh - đang được áp dụng từ năm 2019.
Và các tính toán khác cũng cho thấy nếu giá điện bán lẻ tăng ở mức 5-10% mới đủ bù đắp chi phí hiện tại và khuyến khích cho nguồn tương lai.
Đúng là trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, sẽ không bao giờ có chuyện doanh nghiệp bán hàng với giá bán dưới giá thành sản xuất.
Nhưng cũng như xăng dầu, điện năng là một đầu vào quá quan trọng của nền kinh tế cũng như một chi phí không nhỏ trong “túi tiền” người dân.
Năm 2019, khi giá điện tăng, EVN bỏ túi 20.000 tỉ đồng mỗi năm tài chính.
Nhưng chính Bộ Công Thương tính toán, với khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869.000 đồng/khách hàng sản xuất. Đối với các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện như sắt, thép, xi măng... cho thấy họ phải trả chi phí tăng thêm 7,19%... Tất cả, đương nhiên được hạch toán vào giá thành... để bán cho dân.
Việc tăng giá điện năm đó cũng được tính trên lý thuyết là làm giảm 0,22% GDP, trong khi Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,29%.
Với một nền kinh tế đang ở giai đoạn bắt đầu phục hồi sau đại dịch, vẫn còn chưa qua những cơn “bão giá kép”, thì những con số, những tác động đó - dù được tính toán rất “màu hường”, rất lạc quan - sẽ vẫn là một gánh nặng thật sự.
EVN có những giới hạn chịu đựng nhất định, nhưng người dân, và cả nền kinh tế cũng thế.
Theo Đào Tuấn (LĐO)