(GLO)- Chỉ thị 58/CT-TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (gọi tắt là Chỉ thị 58) ra đời đã tạo cú hích quan trọng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT ở tỉnh ta nói chung và trong hệ thống các cơ quan Đảng nói riêng.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng
Ngay sau khi có Chỉ thị 58, Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng Đề án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2011 (gọi tắt là Đề án 47 và Đề án 06).
Ảnh: Nguyễn Dung |
Trong 14 năm (2000- 2014), tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng. Nhờ đó, đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính khá cơ bản và đồng bộ từ Tỉnh ủy đến các huyện, thị, thành ủy, các ban đảng Tỉnh ủy, các Đảng ủy trực thuộc. Đến nay, mạng thông tin diện rộng của các cơ quan Đảng tỉnh đã kết nối được 23 đơn vị bao gồm: 17 huyện, thị, thành ủy; Văn phòng Tỉnh ủy và các ban đảng Tỉnh ủy; các Đảng ủy trực thuộc (còn Huyện ủy Phú Thiện và Huyện ủy Chư Pưh chưa xây dựng hệ thống mạng LAN).
Toàn tỉnh đã triển khai cài đặt, nâng cấp hoàn chỉnh phần mềm hệ thông tin điều hành tác nghiệp Lotus Notes 8.5 tại máy chủ của 20 đơn vị (17 huyện, thị, thành ủy; 2 Đảng ủy trực thuộc và Tỉnh ủy), trên 650 máy trạm tại các đơn vị (350 máy đã cài đặt Lotus Notes 8.5 và Webmail, 258 máy dùng để truy cập internet). Cài đặt, nâng cấp Lotus Notes 8.5 để kết nối giữa các huyện, thị, thành ủy với các xã, phường, thị trấn ở 22 xã, phường tại Thành ủy Pleiku. Hệ thống mạng đã đầu tư hoạt động tương đối ổn định, chất lượng thông tin trao đổi trên mạng được nâng lên đáng kể, rút ngắn thời gian truy cập, trao đổi thông tin, góp phần giảm chi phí, giấy tờ không cần thiết.
Các ứng dụng, phần mềm dùng chung như: cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ đảng viên, phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp IMAS, phần mềm chuyên ngành kiểm tra Đảng và trang tin điện tử của Đảng bộ tỉnh đã hoạt động tương đối ổn định, giúp cho việc lưu trữ, xử lý hồ sơ nhanh chóng, bảo mật, góp phần nâng cao chất lượng thông tin tổng hợp, phục vụ các cấp ủy đảng. Đặc biệt, thực hiện Công văn số 4015-CV/VPTW/nb ngày 30-7-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng và Kế hoạch số 61/BĐT26 ngày 27-8-2014 của Bưu điện T26-Bưu điện Trung ương, Viễn thông Gia Lai và Phòng Cơ yếu-CNTT Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc chuyển đổi mạng trong tháng 9 vừa qua, sẽ giúp việc triển khai thực hiện chứng thực chữ ký điện tử trong thời gian tới thuận lợi hơn, đảm bảo bảo mật tuyệt đối.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Xác định vai trò quan trọng của con người trong việc ứng dụng và phát triển CNTT, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT. Văn phòng Tỉnh ủy hiện có 5 cán bộ chuyên trách quản trị mạng làm nòng cốt trong triển khai ứng dụng và phát triển CNTT. Các cơ quan Đảng từ tỉnh đến huyện đều có cán bộ quản trị mạng.
Cùng với đó, việc nâng cao trình độ và kỹ năng khai thác sử dụng phương tiện hiện đại, cộng tác qua mạng diện rộng của Đảng; mở rộng, nâng cấp và triển khai hệ thống thông tin, trang-thiết bị, hệ thống mạng và hệ thống an toàn, bảo mật thông tin; quản lý đầu tư chặt chẽ, theo đúng quy định và pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2003 đến nay, Ban quản lý dự án phối hợp với Trung tâm CNTT Văn phòng Tỉnh ủy và Trung tâm Chuyển giao công nghệ tỉnh đã tổ chức được 89 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 2 ngàn lượt học viên là lãnh đạo, chuyên viên, quản trị mạng, nhân viên công tác trong các cơ quan Đảng từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.
Qua đó, trình độ về tin học của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng đã được nâng lên đáng kể. Đến nay, về cơ bản các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chuyên viên trong các cơ quan Đảng ở cấp tỉnh và cấp huyện, thị đã sử dụng khá thành thạo máy tính trong việc khai thác, trao đổi thông tin trên mạng để phục vụ công tác. Việc duy trì trao đổi, khai thác thông tin trên mạng của Đảng thường xuyên và có nền nếp mang lại hiệu quả cao trong công việc hàng ngày. Việc xử lý văn bản được thực hiện theo quy trình khép kín trên mạng của Đảng, đảm bảo thời gian ban hành văn bản nhanh, có chất lượng, tiết kiệm đáng kể về giấy, mực; từng bước thay đổi phong cách và lề lối làm việc trong các cơ quan Đảng.
Nguyễn Dung