Văn hóa

Tín ngưỡng thần lúa của người Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong hệ thống thần linh của người Tây Nguyên xưa, thần lúa (Yang H’ri, Yang Xri hay H’rai) là vị thần phổ biến và được coi trọng nhất.

Trong điều kiện kỹ thuật canh tác thô sơ, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên thì ước mơ một cuộc sống no đủ thông qua tín ngưỡng vị thần coi sóc nguồn sống của mình cũng là điều dễ hiểu.

Hình ảnh của thần lúa trong tưởng tượng là một bà già xấu xí, bị ghẻ lở nhưng lại có tấm lòng thương người sâu sắc. Thần hay thu mình biến thành con cóc. Khi thần nghiến răng, ấy là lúc gọi người chồng của mình-thần sấm. Chẳng là, sau thu hoạch, thần lúa ngủ đông trong kho thóc. Lợi dụng cơ hội này, thần sấm đã lẻn đi tằng tịu với thần nước. Nghe thấy vợ nghiến răng, thần vội vã chạy về và kêu lên. Ấy là lúc xuất hiện những tiếng sấm đầu mùa.

Ning nơng kết thúc cũng là lúc khởi động một mùa rẫy mới. Một chuỗi lễ thức với những kiêng cữ khá là phức tạp sẽ được tiến hành để cầu cho công việc trôi chảy, để thần lúa ban cho cuộc sống no đủ, lúa chất đầy kho.

Người Bahnar làng Đak Mong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) hân hoan trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: H.N

Người Bahnar làng Đak Mong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) hân hoan trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: H.N

Miêu tả toàn bộ hệ thống này là cả một câu chuyện dài, ở đây chỉ liệt kê hệ thống lễ thức này của người Bahnar như một ví dụ: lễ hội mở đầu là Sơmă Kơcham. Dù với nghĩa là “lễ cúng sân làng” nhưng nó là lễ hội có ý nghĩa như đón mừng năm mới.

Trong lễ hội, người ta thông báo cho các vị thần linh biết những việc sẽ làm trong năm; cầu khấn các vị cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, không gặp thiên tai, dịch bệnh… Cầu cúng các vị thần làng rồi, trước khi động cuốc, mọi nhà phải tiến hành lễ Sơmăh gọ cầu xin thần nồi, thần trú cột nhà phù hộ để hồn lúa nhớ đường về gia chủ…

Tháng tư, khi những cơn mưa đầu tiên trút xuống mặt đất, người Bahnar sẽ tiến hành lễ Sơmăh đăk a tâu-khấn nước mắt của hồn người chết để cầu “mưa nhỏ, mưa to, nắng lên đúng lúc” và xin ma đừng bắt hồn lúa, hồn các loại cây đem đi… Rồi khi chính thức bắt tay vào trồng trỉa, bà con lại phải tiến hành lễ Sơmăh Zmunba cầu cho “cây lúa ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa”.

Khoảng tháng 5, khi cây lúa đã bén chân trên rẫy, lễ Ming agăm lại được tổ chức nhằm gột rửa những điều xấu của con người để cây lúa không “bắt chước”. Lúa vào thì con gái, người ta lại tổ chức Sơmăh kwai xin các thần đất, núi, nước… buông tha hồn lúa để nó nhớ đường về. Đến khi lúa đã đỏ đuôi phải thêm tiếp 2 lễ là Sa mơk (ăn cốm mới) rồi Sơmăh kek (cúng suốt lúa) và cuối cùng là lễ đóng cửa kho. Đến đây, 1 năm sản xuất với những thấp thỏm lo toan mới chấm dứt.

Tùy quan niệm của mỗi dân tộc và đặc điểm từng vùng cư trú, tín ngưỡng thần lúa có thể thêm, bớt về quan niệm, lễ thức. Tuy nhiên, mẫu số chung vẫn là sự trọng vọng tuyệt đối. Chẳng hạn với quan niệm là nơi trú ngụ của các Yàng và hồn lúa, rẫy với đồng bào là cả một thế giới tâm linh, là vùng đất được giữ gìn thanh khiết. Một sự uế tạp nào xảy ra trên rẫy, đặc biệt là tiểu tiện, đại tiện vào rẫy có thể khiến các Yàng bất bình, hồn lúa giận dỗi bỏ đi.

Việc thu hoạch lúa phải dùng tay để tuốt, tuyệt đối không được dùng các dụng cụ kim loại cắt ngang thân lúa, vì như vậy là cắt ngang hồn lúa; đập lúa là làm đau hồn lúa, sẽ khiến hồn sợ hãi bỏ đi, dẫn đến mất mùa, đói khát.

Một quan niệm chung khác là thần lúa vốn rất sợ nước. Vì vậy, việc trồng lúa ở ruộng nước sẽ làm thần lúa chết đuối. Bởi quan niệm này mà việc vận động đồng bào làm lúa nước những năm đầu giải phóng rất khó khăn.

Trừ một số địa phương hiện còn cây lúa rẫy thì vẫn tiến hành một vài lễ thức sơ sài. Với những nơi trồng lúa nước, gần như bà con chỉ giữ duy nhất lễ cúng lúa mới. Những làng chuyển hẳn sang chuyên canh cây công nghiệp thì chẳng còn lễ hội cầu mùa. Đây là điều phải “đánh đổi” cho sự phát triển dù cây lúa rẫy với hàng ngàn năm tồn tại đã làm nên một nền văn hóa nương rẫy. Và hệ thống lễ thức cầu mùa chính là một phần của nền văn hóa ấy.

Có thể bạn quan tâm