Thời sự - Bình luận

Tinh gọn bộ máy, tạo nguồn lực mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ còn hơn 30 ngày nữa TPHCM chính thức sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận theo Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM giai đoạn 2023-2025 (ngày 1-1-2025).

Đây cũng là bước đi cụ thể thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm về sắp xếp bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Đó cũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị.

Nhìn lại quá trình phát triển của TPHCM từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, đã trải qua không ít lần sắp xếp đơn vị hành chính từ cấp huyện đến cấp xã. Gần đây nhất là việc sáp nhập 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức - thành phố thuộc thành phố đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2021. Thời gian đầu thành lập, hệ thống chính trị của TP Thủ Đức cũng có không ít chệch choạc từ việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian chuyển giao, đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thế nhưng, sau gần 4 năm vận hành, TP Thủ Đức hiện đã có một diện mạo hoàn toàn mới với bộ máy được kiện toàn, điển hình trong thí điểm những cơ chế, chính sách mới. Cùng với đó, bộ máy được tinh gọn với việc cắt giảm loạt đầu mối, tinh giản hàng trăm cán bộ. Thực tiễn trên cho thấy giai đoạn đầu khi sắp xếp chắc chắn sẽ không tránh khỏi những xáo trộn ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Song, về lâu về dài đã mang lại những hiệu quả rõ ràng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công vụ.

Kinh nghiệm từ thực tiễn cùng quyết tâm chính trị cao giúp TPHCM bắt nhịp nhanh, hoàn thành sớm việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Song, vấn đề sâu xa và lâu dài là câu chuyện vận hành bộ máy tổ chức hành chính mới, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi cả dân số và diện tích tự nhiên đều tăng, có phường tăng lên nhiều lần.

Vấn đề này đã được TPHCM nhận diện và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi triển khai loạt giải pháp để cải cách toàn diện tổ chức bộ máy hành chính với việc xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch; thí điểm chế độ làm việc từ xa; xây dựng các nền tảng phát triển các hình thức học tập, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính, TPHCM chính thức vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp, hướng đến tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Kết quả từ công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, thực hiện các biện pháp khai thác ứng dụng công nghệ cũng đã giảm phiền hà cho người dân, tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính…

Rõ ràng, khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn. Đặc biệt chọn được những cán bộ chất lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khi làm việc sẽ đem lại hiệu quả cao, nhất là trong việc hỗ trợ người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ở TPHCM. Chủ trương, chính sách đã có, vấn đề còn lại là việc TPHCM triển khai vào thực tế như thế nào để vừa đảm bảo được việc tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công vụ.

Để bảo đảm được bộ máy tinh gọn, tinh giản được biên chế nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, thậm chí là hy sinh lợi ích của nhiều cán bộ, đảng viên. Do đó, những bài học kinh nghiệm, giải pháp xây dựng đội ngũ, số hóa nền hành chính và xây dựng công dân số, công dân toàn cầu triển khai thời gian qua cần phát huy những bước đi vững chắc để thành phố tiếp tục nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Tuy rất khó nhưng lại là con đường để tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn, để TPHCM cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Theo NGÔ BÌNH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm