Thời sự - Bình luận

Tinh gọn trong mỗi cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tinh gọn bộ máy, sáp nhập hay chấm dứt hoạt động là những từ khóa “hot” trong toàn bộ máy chính trị hiện nay.

Theo chủ trương lớn này, có hàng loạt bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập… bị sáp nhập, sắp xếp theo hướng thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Đó là chưa kể tới rất nhiều đơn vị, phòng, ban trong từng tổ chức đó cũng sẽ bị thu gọn để giảm mạnh số đầu mối theo yêu cầu. Ước tính số người bị ảnh hưởng trong đợt tinh gọn bộ máy này lên tới 100.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng biên chế toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu. Con số 100.000 người đó chiếm gần 4,5%. Nhìn tỷ lệ thì có vẻ nhỏ, nhưng thực ra đó là con số lớn rất lớn, cho thấy những người chịu tác động của kế hoạch tinh gọn bộ máy cũng không hề ít.

Chuyện sáp nhập các đơn vị không đơn giản như truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, nơi mà chỉ cần hô câu thần chú “khắc nhập” là cả trăm đốt tre tự động dính liền với nhau một cách hoàn chỉnh. Thực tế không như thế, trong quá trình “khắc nhập”, sẽ có những “đốt tre” bị thừa thãi, không thể trở thành một phần của cây tre mới.

Khi bản thân bỗng trở thành những “đốt tre” dôi dư đó, lo lắng và bất an là tâm lý dễ hiểu. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người trong hệ thống chính trị, từ cấp trưởng, cấp phó cho đến công chức, viên chức bình thường, khi họ đột ngột phải đối diện với những thay đổi sâu sắc về vị trí, công việc của mình.

Đặc biệt, đối với những người đã từng gắn bó lâu dài với công việc, tâm lý có thể sẽ là hụt hẫng khi thấy mình bị hạ bậc, phải từ bỏ những vị trí lãnh đạo quan trọng, hay phải từ bỏ một chỗ làm trong nhà nước mà xưa nay thường được coi là ổn định.

Quá trình thay đổi này đặt họ vào những lựa chọn khó khăn, đặc biệt là khi họ phải lựa chọn chấp nhận hy sinh, không chỉ về vị trí công tác mà còn về các quyền lợi vật chất và tinh thần.

Chính trong những khoảnh khắc này, phẩm chất, đạo đức và sự hy sinh của những người cán bộ, đặc biệt là Đảng viên, thực sự được thử thách.

Đây cũng là khoảnh khắc buộc nhiều người phải nhìn nhận lại giá trị bản thân. Thực tế, có những người đi làm trong cơ quan nhà nước chỉ để “cho vui”, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không có động lực cống hiến thực sự cho tổ chức. Cơ quan nhà nước nào cũng có những đối tượng vào làm theo cơ chế “xin – cho”, “con ông cháu cha”, không đủ năng lực làm việc. Thứ họ làm hàng ngày là điểm danh và hưởng lương từ ngân sách chỉ để làm những việc vô thưởng vô phạt, không có tác động gì đến hiệu quả công việc chung. Tình trạng này làm cồng kềnh bộ máy, gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Có thể nói trong những người đó, hầu như ai cũng tự biết năng lực của mình thế nào, ai cũng tự nhận rõ mình có phải là người cần thiết cho đơn vị, tổ chức không, hay là một “đốt tre” thừa. Tuy nhiên, trong những người này, liệu có ai dũng cảm thừa nhận và chấp nhận trở thành đối tượng bị tinh giản hay không?

Để trả lời câu hỏi đó thì mỗi người cũng phải tự làm “cách mạng” trong chính suy nghĩ của mình. Tất nhiên, không ai muốn bị hạ chức vụ, giảm quyền lợi, và càng không ai muốn mất việc hay bị tinh giản. Nhưng khi đứng trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, cần nhất là tinh thần chấp nhận thực tế, coi đây là cơ hội để thay đổi, tìm hướng đi mới cho bản thân, thay vì cố bấu víu vào một cái ghế, hay vị trí trong cơ quan nhà nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lòng dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân chính là cốt lõi của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này. Dũng cảm ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thật, rằng bản thân mình không còn phù hợp với vị trí đó. Hy sinh lợi ích cá nhân ở chỗ chấp nhận từ bỏ đồng lương được hưởng từ ngân sách nhà nước, dành cho những người xứng đáng hơn. Trong quá trình hy sinh lợi ích cá nhân đó, sẽ có nhiều cơ hội mới mang lại lợi ích mới cho chính họ.

Để khuyến khích tinh thần dũng cảm và tác động để các cá nhân dám hi sinh lợi ích cá nhân, cần có chính sách và chế độ hợp lý, nhân văn giúp họ trong giai đoạn thay đổi này.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bộ này đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo bà, quan trọng nhất là sau khi sắp xếp, có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống, trên tinh thần chính sách cũng phải mang tính cách mạng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Mặc dù quá trình tinh gọn bộ máy đụng chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều người, nhưng các chính sách hỗ trợ hợp lý và công bằng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho những người bị ảnh hưởng.

Trên tinh thần đó, những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư trong quá trình tinh gọn bộ máy có thể an tâm phần nào khi họ được chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trong quá trình thay đổi lớn này.

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng lớn, được ví là cuộc đổi mới lần hai, đổi mới 2.0. Và đó cũng là cuộc cách mạng, đổi mới, tinh gọn trong suy nghĩ của mỗi cá nhân bị ảnh hưởng. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đó là cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng để tất cả chúng ta cùng thay đổi hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Giải phóng để tư tưởng thoải mái, tinh gọn để bộ máy bớt cồng kềnh, thế mới có thể “nhẹ để bay cao”.

Theo Thùy Dương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm