(GLO)- Là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, chiếc gùi của cộng đồng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng ngoài việc đựng đồ thuần túy còn minh chứng cho sự khéo léo của người làm ra nó.
Từ xa xưa, ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã được học cách đan lát những dụng cụ lao động. Gùi là vật dụng phổ biến nhất được đan bằng tre, mây hoặc cây sâm lũ... Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những mục đích khác nhau, hoa văn cũng rất đa dạng thể hiện nét độc đáo của mỗi dân tộc.
Trước tiên phải kể đến chiếc gùi đựng vải và lúa. Loại gùi này có hình trụ đứng, độ cao trung bình 60-95 cm, đế gùi vững chắc bằng gỗ có độ cao khoảng 20 cm chủ yếu để giữ thăng bằng và chịu được lực. Làm loại gùi này phải chọn mây hoặc tre già ngâm nước trong một khoảng thời gian nhất định để tạo độ dẻo. Lạt dùng tạo hoa văn trên thân gùi cũng phải trơn nhẵn, đồng đều và tạo màu bằng cách xát lá rừng lên từng sợi.
Từ trái sang: Gùi Koroh của dân tộc Xê Đăng và dân tộc Kdong. Ảnh: T.P |
Gùi đựng thức ăn thì nhỏ hơn. Loại này có 2 lớp, phía bên trong cũng được đan như lớp ngoài nhưng phải vót thật mỏng, nhỏ hơn nan bên ngoài và không có hoa văn; giữa 2 lớp được chèn lá rừng với mục đích chống ẩm. Hai lớp này ép sát gần như là một, mới nhìn vào khó có thể phát hiện ra. Tiếp theo, nghệ nhân lựa chọn 4 cây mây hoặc tre thẳng đều rồi vót cho suôn mượt, lấy dây mây quấn kín từ trên xuống dưới ép vào 4 góc gùi, đầu trên nhỏ còn đầu dưới to ra, có tác dụng giữ thăng bằng cho toàn bộ thân gùi. Phần đế được làm bằng gỗ cây gạo hay cây cóc rừng, tạo thành một giá đỡ vững chãi. Nắp gùi đòi hỏi cũng phải tinh xảo như thân gùi, vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa chắc chắn, tiện cho việc đóng mở. Cuối cùng là dây gùi, 2 quai làm bằng dây mây, cũng có thể bện bằng vỏ cây rừng.
Một loại gùi độc đáo nữa dành riêng cho nam giới là gùi dạng hình cánh dơi, có 2 quai như chiếc ba lô có tên gọi là Koroh, dùng để đựng dao, nỏ, mũi tên và những dụng cụ khác khi lên rừng săn bắn. Kiểu dáng loại này dẹp, bè ra hai bên, có 3 ngăn riêng biệt, phía trên 2 ngăn nhỏ đan liền 2 sợi dây nối với miệng của ngăn giữa dùng để ôm sát vào lưng. Đáy gùi có gắn các cật của cây mây theo từng hàng song song với nhau nhằm giữ cho các ngăn luôn có độ rộng. Koroh thường có chiều cao 60-70 cm, chiều ngang 40-55 cm, độ rộng mỗi ngăn chỉ khoảng 10-15 cm. Vật liệu chính để đan Koroh là mây và cây sâm lũ. Nhìn qua gùi Koroh ta có thể đoán được trình độ thẩm mỹ cũng như sự khéo léo của người làm ra nó. Có những chiếc gùi Koroh đạt đến độ tinh xảo gần như tuyệt đối, ngay cả những nét quấn dây cũng đều đặn đến từng milimet, khiến chúng ta không thấy được điểm cuối cũng như điểm nối của những sợi dây mây trên thân gùi.
Có một loại gùi nữa cũng là gùi nam nhưng nhỏ hơn, chỉ có 1 ngăn, gọi là gùi Lep. Gùi này chiều cao chỉ 50-60 cm, bề ngang 30-35 cm, rộng 20-25 cm dùng để đựng các dụng cụ đi rừng hay đựng thức ăn khi đi xa, phía bên ngoài được đan kín tạo một mái che để bảo vệ đồ vật bên trong.
Trong cộng đồng các dân tộc Bắc Tây Nguyên còn một loại gùi đặc biệt nữa, đó là gùi để tặng người thân trong gia đình (gùi Reo Răng Teh). Đây là vật dành tặng đứa con đầu lòng, đứa cháu cưng trong gia đình vào những dịp như đầy tháng, lễ thổi tai... Gùi Reo Răng Teh có hình thức nhỏ nhắn, chỉ cao 40 cm, đường kính miệng khoảng 18 cm, dây đeo bè ra 3 cm nhưng phải đan rất công phu. Loại gùi này vô cùng sắc sảo, mỗi chi tiết từ cách đan, cách quấn từng sợi mây cho đến việc làm dây đeo như chứa đựng cả một tình cảm bao la của người thân. Ngoài việc dùng làm quà, sản phẩm này còn ẩn chứa một kỳ vọng rất lớn của người nghệ nhân, đó là mong muốn thế hệ sau tiếp nối truyền thống của cộng đồng.
Một thói quen chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên là thường đặt các vật dụng lên giàn bếp để giữ không bị mối mọt, vì thế có những chiếc gùi có tuổi thọ lên đến cả trăm năm. Hiện nay, tuy nghề đan lát phần nào mai một nhưng vẫn được nhiều gia đình, cộng đồng lưu giữ. Hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vẫn thường xuyên tổ chức những hội thi văn hóa-văn nghệ, nghề truyền thống giữa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là cuộc thi đan gùi nhằm giữ lại nét văn hóa đặc trưng từng vùng, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống này của cha anh.
THẾ PHIỆT