Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tôi và Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tôi nói với anh tôi sẽ lên thăm Hạ. Trong những tin nhắn hỏi thăm nhau, Hạ nói, Hạ vẫn ổn.

Nhưng sao tôi không ngừng loay hoay trong ý nghĩ Hạ có ổn thật không? Hạ đang như thế nào? Trên trang cá nhân bài viết cuối cùng của Hạ từ hơn một năm trước.

toi-va-ha-35.jpg
Minh họa: HIỂN TRÍ

Anh chở tôi ra bến xe, kịp bắt chuyến xe khách sớm nhất lên vùng cao Đông Bắc. Anh phụ xe người nhỏ, da đen cháy, mặt hốc hác vì chạy xe đường dài, nhanh tay kéo cất hộ tôi chiếc va li nhỏ, tận tình hỏi, chị có say xe không, có à, ngồi ở ghế này sẽ đỡ hơn đấy.

Xe đi qua thành phố, lùi lại phía sau những tòa nhà kính, ồn ào, khói bụi. Tôi ngồi bên ô cửa lặng lẽ ngó nắng len qua tấm rèm hoa đã cũ màu.

Lúc kéo tấm rèm che sang hai bên, thấy xe đang đi qua cánh đồng lúa mới gặt xong, bầy trâu nhẩn nha dưới đồng, cảnh ấy sao bình yên đến thế. Đi mãi, cũng dần hiện ra màu xanh ngút mắt nhấp nhô núi rừng. Dòng sông uốn quanh, khuất lấp, rồi lại bất ngờ hiện ra ngay dưới chân núi, thật đẹp.

Xe khách dừng lại ở thị trấn nhỏ. Thị trấn vùng cao trầm lặng. Bước vào quán nước ven đường, tôi hỏi bà cụ có xe nào chở vào thung lũng không. Từ đây đi hơn mười cây số nữa mới tới nhà Hạ, đường đi vào đó nhỏ, đất đá, chênh vênh.

Trong lúc ngồi đợi xe, tôi gọi điện cho Hạ biết tôi lên. Xe đưa tôi đến đầu con dốc, đã thấy Hạ đứng chờ từ bao giờ. Hạ ôm tôi khóc. Chúng tôi đi bộ qua con dốc dài, qua những cánh cổng nhà cũ kỹ, qua những bức tường phủ đầy rêu xanh, dừng chân lại ngôi nhà gỗ nhỏ của Hạ cuối thung lũng. Vườn nhà Hạ trồng rất nhiều mận. Những mùa xuân, hoa mận nở trắng vườn.

Hạ đưa tôi lên thăm mộ mẹ. Vắng lặng. Bùi ngùi. Tôi thắp hương cho mẹ. Mười hai năm trước, lần đầu cùng bạn về nhà Hạ chơi, mẹ đón chúng tôi như đón đứa con đi xa trở về nhà.

Mẹ nấu xôi nếp nương, nướng gà rừng thơm lừng cả thung lũng. Lần sau tôi về thăm, mẹ nằm trên giường bệnh, xanh xao, gầy gò. Mẹ rướn mình chống chọi với từng cơn đau. Hơi thở mẹ mỏng hơn tờ giấy lụa.

Chập chờn màu khói. Tôi đứng lặng nhìn những bụi hoa vàng mọc xung quanh. Hạ nói hoa dại núi rừng đấy. Hoa dại gieo vào lòng tôi nỗi buồn, bâng khuâng. Tôi cùng Hạ hái hoa, chia thành từng nắm nhỏ, đặt lên mộ mẹ và những ngôi mộ bên cạnh.

Cuối chiều, nhìn ra phía thung lũng mờ xa, màu trời bàng bạc như sương. Hạ mở nhạc. Bản nhạc xưa tôi và Hạ hay nghe trong những đêm mưa trên căn gác nhỏ chật chội dưới phố. Khi đó chúng tôi hai mươi tuổi. Dễ buồn, dễ vui, lòng cũng xanh nhiều mộng tưởng hơn bây giờ. Chúng tôi đi cùng nhau từ giảng đường đến thư viện, cùng làm thêm ở quán cà phê bụi, cùng khóc cười…

Ra trường, tôi và Hạ về hai cơ quan khác nhau. Mỗi đứa ở một đầu thành phố, kể chuyện nhau nghe qua những cuộc điện thoại. Có ngày, ngồi khóc một mình trong quán lạ, thèm có ai đó ngồi nghe tôi nói biết bao chuyện mệt mỏi khó khăn nơi làm việc.

Nhắn cho Hạ, lâu sau Hạ trả lời đang đi công tác xa. Cuộc sống cuốn mọi thứ lăn nhanh về phía trước. Thời gian vỡ ra, tôi trôi đi trong bận rộn công việc, lo toan cuộc sống thường ngày.

Hạ cũng nghỉ việc cơ quan cũ, chuyển sang làm cho nhiều doanh nghiệp khác nhau. Hạ đi nhiều, bận rộn với các dự án mới. Mỗi lần tôi bảo Hạ, yêu ai đi chứ, Hạ chỉ cười…

Chúng tôi ngồi bên nhau lặng yên như thế, cho đến khi Hạ kéo tay tôi đứng lên. Bên thềm giếng xanh rêu, Hạ khua gàu múc nước vo gạo. Gió cuối chiều thổi hun hút về cuối thung lũng mang theo những chiếc lá nhỏ rơi đầy vào lòng giếng, xoay tròn, tung lên.

Hạ nhóm lửa. Tôi vun thêm củi vào bếp, lửa bùng lên, vội kéo ghế ngồi nhích ra xa. Cơm sôi, tôi khẽ hé mở nắp vung, đảo cơm, thơm quá. Đã thật lâu rồi, tôi không nghe hương cơm sôi như thế.

Nhớ chuyện xưa, tôi kể Hạ nghe: “Ngày nhỏ, hôm nào nấu cơm, mẹ cũng chắt phần tớ bát nước cơm, bỏ thêm thìa đường vào đó, uống ngon làm sao”. “Ừ. Mẹ luôn biết những đứa con thích ăn gì nhất. Nhưng cho đến lúc mẹ mất, tớ không biết món ăn mẹ thích. Mẹ tớ, cả đời lặng lẽ”. Nói đến đó Hạ khóc.

Hạ mải miết đi học rồi đi làm, mỗi năm về được mấy lần ngủ vùi trong ngôi nhà gỗ nhỏ của mẹ. Đêm trở mình nghe những bông hoa mận rớt xuống giữa cơn mưa sao buồn đến thế, sớm mai lại vội vã xếp đồ đi. Hạ muốn đưa mẹ xuống phố.

Nhưng mẹ lại bảo, Hạ có đi bao lâu, bao xa, lúc trở về, những cây mận vẫn ở đây thôi, chúng chỉ già cỗi theo tháng năm, như mẹ vậy. Mẹ đã sống kiếp đời ở đất này và mẹ biết mình cũng chẳng thể đi đâu xa hơn đây nữa. Khuôn mặt mẹ khi ấy bình thản, không tỏ rõ buồn vui.

Mẹ đau từ khi nào, mẹ không nói Hạ biết. Đến lúc Hạ về, bác sĩ bảo bệnh mẹ đã nặng rồi. Giờ ngược phía đỉnh đồi, mẹ đã nằm ngủ mãi, lặng yên dưới vòm xanh trời cây. Những ngày tháng qua tưởng lắm bộn bề, tưởng xây nhiều khát vọng, mơ được đến những vùng trời xanh khác, nhưng khi ngoảnh lại không còn mẹ nữa mới thấy mình trống rỗng.

Mẹ mất đã năm rồi, nhưng Hạ cảm nhận còn đó hơi ấm của mẹ trong từng đồ vật trong nhà. Có đêm Hạ nằm mơ thấy bóng mẹ thấp thoáng ngoài vườn bên những bông mận trắng… Choàng tỉnh giấc, bật khóc. Những hạt giống mẹ cất trong những quả bầu khô treo nơi gác bếp, đợi ngày gieo hạt, Hạ đã thay mẹ gieo chúng xuống vạt đất trước nhà.

Đêm thu vùng cao. Se se lạnh. Tôi nằm nghe sương bảng lảng tràn xuống mái ngói rêu ẩm. Con mèo vàng ngước nhìn về phía giường, không ngừng kêu meo meo. Hạ bế con mèo lên, nó cuộn mình khẽ dụi dụi tấm lông vàng bụi bặm vào người Hạ, đó là cách đối thoại rất đặc biệt, ấm áp, chân thật của loài mèo. Tôi hỏi Hạ: “Khi nào cậu quay lại thành phố?”.

Hạ bảo: “Tớ đã muốn đi xa khỏi sự tĩnh lặng, trầm buồn, cũng như sự chậm rãi trong nhịp sống ở thung lũng này. Nhưng khi không còn mẹ nữa, mới cảm nhận thấy rõ hơi thở của một cuộc sống bình dị, thong thả, cần mẫn hằng ngày của mẹ cũng như mọi người ở đây. Tớ đã băn khoăn tự hỏi, thành phố có còn là nơi mình ước mong nữa không”.

Lời Hạ bất giác làm tôi nghĩ về ồn ào nơi phố, về căn hộ chung cư hơn bảy mươi mét vuông trên tầng mười tám của mình. Ban công căn hộ vừa đủ cho tôi đặt chiếc bàn gỗ nhỏ, bày bộ trà yêu thích được mua trong một chuyến đi chơi làng gốm.

Tôi định ngồi đó uống trà, tĩnh lặng cuối ngày. Nhưng sau đó thành nơi anh ngồi suy tư, hút thuốc, thả khói khi tôi không chịu được mùi khói thuốc luẩn quẩn trong phòng. Những đầu mẩu thuốc anh vứt đầy chiếc chậu bỏ không.

May chậu bỏ không, nên không có chiếc lá, thân cây nào bị bỏng. Cái chậu ấy trước trồng cây hoa giấy. Ngày mua về, hoa hồng rực cả ban công. Nhưng chỉ không lâu sau, những cánh hoa mỏng manh tàn rụng dần. Từ đó, hoa không còn nở nữa, do thiếu ánh nắng trời. Sau cây cũng chết, bởi hơi nóng phả ra từ những cục nóng điều hòa.

Có những sớm mai, từ ban công nhà mình, nhìn sang tòa chung cư đối diện, tôi thấy những ban công thiết kế giống hệt nhau, chật hẹp và được rào kín bằng tấm lưới an toàn từ những sợi cáp inox. Đó là lúc tôi cảm nhận rõ sự chông chênh chới với trong lòng mình.

Tôi thèm có một góc vườn nhỏ, gieo xuống đó vài hạt mầm xanh, trồng vài khóm hoa thơm hương. Có đôi lần, tôi nói với anh, tôi nhớ thành phố nhỏ của mình, tha thiết. Thành phố nhỏ xanh bình yên, không quá trầm lặng, nhưng cũng không ồn ào vội vã.

Nơi không có cảnh tắc đường, kẹt xe mỗi sớm chiều. Nơi mỗi lần trở về thăm, rồi quay lại thành phố ồn ào đang sống tôi thường không che giấu được nỗi buồn trong lòng. Những khi ấy anh thường lặng im. Có nỗi buồn nào trượt qua sự lặng im ấy tôi không hề hay biết.

Cho đến một hôm, anh nói với tôi rằng: “Em đã lựa chọn, thì nên học cách chấp nhận. Ở đâu chẳng có điều hay dở. Nhưng cứ nuối tiếc hoài chỉ bỏ lỡ hiện tại phải không. Người ta hay ước mong những thứ mình không có được. Biết đâu về đó rồi…”.

Anh không nói nữa, mà tôi hiểu lời anh bỏ ngỏ. Bữa đó, tôi buồn giận anh. Mãi sau mới hiểu, anh đã buồn, đã day dứt trong cảm giác không mang lại cho tôi sự bình yên trọn vẹn. Tôi thương anh biết nhường nào. Kể từ đó, tôi học cách hòa nỗi buồn vào cùng ồn ào của phố…

Tôi kể Hạ nghe chuyện, bữa về nhà sau mấy ngày đi vắng, Bống kéo tay tôi ra ngoài ban công chỉ vào cái chậu ríu rít: “Mẹ nhìn xem dây khoai lang đang lên xanh rồi kìa”. Trong chậu, từ củ khoai nảy lên bốn, năm cái mầm đang vươn cao, những chiếc lá nhỏ bung ra. “Ai trồng thế con?”. “Ba thấy củ khoai mẹ mua đã nảy mầm, rủ con đem ra vùi vào đó”.

Chiếc chậu đã được anh dọn sạch những mẩu tàn thuốc lá. Mỗi chiều đi học về, Bống vội ào ra ban công tưới nước, ngó những dây khoai lang lớn nhanh, vươn dài, bám cả lên lưới rào ban công. Màu xanh lá thật dịu êm.

Tôi biết, chỉ thời gian ngắn thôi, những dây khoai lang nhỏ bé đó cũng sẽ héo chết như cây hoa giấy, nhưng chúng sẽ để lại những khoảnh khắc xanh vui cho Bống. Đã dạy Bống cách biết chăm sóc, thương một mầm cây nhỏ…

Đêm, tĩnh lặng, chỉ còn tiếng gió ru những tán lá trong vườn xôn xao, tiếng côn trùng rỉ rả. Tôi nghe trong những thanh âm đó sự bình yên rất thật lòng. Cảm giác như mình được lần tìm về thời thơ dại, hồn nhiên trong khu vườn xưa êm đềm của mẹ. Bất chợt, Hạ vòng tay qua ôm tôi nói nhỏ: “Thu rồi, mùa xuân cậu lên đây, đêm nằm nghe hoa mận rơi trong cơn mưa tháng Giêng trắng trời…”.

Theo THÁI HIỀN (QNO)

Có thể bạn quan tâm