Thời sự - Bình luận

Tôn vinh hành động dũng cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, dư luận cả nước, đặc biệt là giới trẻ đã dành những tình cảm đặc biệt trân quý đối với hành động dũng cảm cứu người đuối nước của Trung úy Thái Ngô Hiếu-cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Đồng Nai) và anh Nguyễn Đức Chính (trú tại tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Ghi nhận hành động dũng cảm của người sĩ quan trẻ tuổi, Đại tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ từ trung úy lên đại úy đối với anh Thái Ngô Hiếu. Đặc biệt, ngày 13-4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho Đại úy Thái Ngô Hiếu. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 449/QĐ-TTg tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho anh Nguyễn Đức Chính. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đây thực sự là hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, cao cả được Nhân dân cảm phục, trân trọng.

Chiến sĩ Thái Ngô Hiếu. Ảnh NVCC/TNO
Chiến sĩ Thái Ngô Hiếu. Ảnh NVCC/TNO


Có thể nói, đây chỉ là 2 tấm gương sáng trong hàng ngàn tấm gương tuổi trẻ dũng cảm, là 2 bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa muôn màu sắc mà các thế hệ đoàn viên, thanh thiếu nhi Việt Nam tạo ra trong quá trình phấn đấu, cống hiến và trưởng thành. Họ có thể là chiến sĩ lực lượng vũ trang, nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, thậm chí là cậu bé đánh giày, cháu bé bán vé số, bác xe ôm, anh dân phòng… nhưng tất thảy đều có tình thương yêu đồng loại, biết hy sinh vì mọi người và đặc biệt là vô tư, trong sáng. Những hành động của họ có thể đơn giản là việc nhặt được của rơi trả người đánh mất, chủ động giúp người yếu thế cho đến việc sẵn sàng xả thân cứu người bị nạn.

Đến nay, lịch sử truyền thống của tuổi trẻ Gia Lai đã ghi nhận 2 tấm gương hy sinh thân mình để cứu người bị đuối nước gồm: em Ksor H'Nhuên (trú tại buôn Sô Ma Hang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã cứu 4 em nhỏ bị đuối nước vào ngày 29-9-2018 và Thượng sĩ Bùi Minh Quý (SN 1993, Đội Cảnh sát Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê) cứu người trong nước lũ vào chiều 3-3-2018. Phát huy truyền thống tuổi trẻ dũng cảm, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng loạt tấm gương như: em Kpă Khoa (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) lao xuống hồ cứu bạn bị đuối nước vào ngày 4-6-2021; em Trần Nguyễn Anh Duy (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã cứu 2 bạn học sinh bị đuối nước vào chiều 3-6-2021 hay 4 thanh niên dân tộc thiểu số ở xã Ia Khai (huyện Ia Grai) đã dũng cảm cứu 2 người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”giữa dòng sông sâu vào ngày 27-8-2020. Tất cả các trường hợp này đều được Tỉnh Đoàn tôn vinh và đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Họ rất xứng đáng nhận được sự tri ân và tôn vinh của toàn xã hội!

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có hàng triệu tấm gương tuổi trẻ kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tiếp bước truyền thống cha anh, thế hệ trẻ hôm nay đang ra sức phấn đấu, cống hiến với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để xứng đáng là “rường cột của nước nhà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Tuy nhiên, bên cạnh những điển hình tiên tiến thì đây đó vẫn còn những thanh niên chậm tiến bộ, sống ích kỷ, vụ lợi, thui chột ý chí phấn đấu. Đây thực sự là lực cản rất lớn đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Xa hơn, đó là “chướng ngại vật” trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Vì vậy, trong quá trình hoạt động, các tổ chức Đoàn cần quán triệt phương châm: “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh những nhân tố điển hình, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, thải loại những nhân tố tiêu cực để tuổi trẻ Việt Nam vững bước đi lên dưới lá cờ vinh quang của Đảng.

 

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm