Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Giai đoạn 2012-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; các bộ, ngành đã phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết, mang lại những kết quả nhất định. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện đúng quy định. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH có chuyển biến tích cực; số người tham gia tăng qua các năm. Tính đến 31-12-2020, cả nước có hơn 16,1 triệu người tham gia BHXH (chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 10 lần so với năm 2012. Số người tham gia BHYT vượt chỉ tiêu đề ra với khoảng 88 triệu người vào cuối năm 2020 (chiếm 90,97% dân số).
Nguồn kinh phí cho công tác khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo; Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện; mức độ hài lòng của người dân ngày càng cao...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, độ bao phủ BHXH ở nước ta vẫn còn thấp, có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương và các vùng. Tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, chủ yếu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa phù hợp với thực tiễn cũng như đồng bộ với các chính sách khác. Việc quản lý Quỹ BHXH, BHYT có lúc thiếu chặt chẽ; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương. Quỹ BHYT bắt đầu chi vượt quá thu; quỹ BHTN kết dư lớn. Công tác thanh-quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn chậm và vướng mắc...
Tại hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác về BHXH, BHYT trong thời gian đến.
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong quá trình đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị các cấp ủy Đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; thực hiện tốt quan điểm phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững; phát huy tối đa lợi thế các vùng miền nhằm phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, BHYT, tiến tới thực hiện BHXH, BHYT toàn dân; phấn đấu đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số.
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH; nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh BHYT…
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm