Thời sự - Sự kiện

Tổng thống Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng từ chối nhượng bộ lãnh thổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sẵn sàng đàm phán ngừng bắn ở Ukraine với ông Donald Trump, nhưng Nga bác bỏ nhượng bộ lãnh thổ, đồng thời kiên quyết yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

tong-thong-nga-putin-tai-dien-krenlin-ngay-18-11-anh-afp.jpg
Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin ngày 18/11. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo ngày 20/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Tổng thống Nga nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán về Ukraine. Nhưng chính quyền Kiev đã cấm điều này.

Tổng thống Putin cũng từng nói rằng Nga sẵn sàng đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Tổng thống đắc cử Mỹ Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, nhưng chưa ông thực hiện bằng cách nào.

Điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/11, ông Putin tái khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột ở Ukraine, dựa trên các đề xuất Bộ Ngoại giao Nga công bố hồi tháng 6.

Lúc đó, Tổng thống Putin họp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, nêu bật những điều kiện đàm phán với Ukraine gồm quân đội Ukraine rút khỏi Donetsk và Lugansk, các vùng Zaporizia, Kherson. Bên cạnh đó Ukraine cam kết áp dụng quy chế không liên kết, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa đất nước, dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng tất cả điều kiện này phải được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế cơ bản.

Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 cho biết Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh Bryansk tấn công một kho vũ khí quân sự ở Bryansk trong đêm. Dữ liệu xác nhận đây là tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.

Nga sử dụng hệ thống phòng không Pantsir và S-400 bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa khác.

Sau khi quyết định cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, ngày 19/11, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã cho phép cung cấp mìn sát thương cho Kiev. Phía Ukraine cam kết không sử dụng mìn sát thương ở các khu vực có dân thường sinh sống.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng vụ phóng tên lửa tầm xa của Ukraine vào Nga cho thấy phương Tây muốn "leo thang xung đột" Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài hơn 1.000 ngày.

Có thể bạn quan tâm