TP. Pleiku: Thêm một địa chỉ điều trị bệnh tự kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo các chuyên gia, số trẻ tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó can thiệp bằng các biện pháp trị liệu đơn giản. Ngoài yếu tố di truyền, hội chứng này còn gia tăng bởi những tác động của môi trường gia đình và xã hội.

Theo chuyên viên trị liệu Nguyễn Thị Liệu, tại lớp học can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ của chị (hẻm 113 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 10 trẻ tự kỷ đến điều trị hoặc xin được tư vấn qua điện thoại. “Trước đây, nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng tự kỷ ít được xác định rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, những nguyên nhân này đến nay đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc để tìm ra những liệu pháp can thiệp sớm, phù hợp, giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất trước tuổi đi học”-chị Liệu cho biết.

 

Khu vui chơi của trẻ tại lớp trị liệu trẻ tự kỷ của chuyên viên Nguyễn Thị Liệu. Ảnh: N.G

Theo đó, bên cạnh yếu tố di truyền thì những tác động từ môi trường sống khiến số lượng trẻ mắc hội chứng tự kỷ cần can thiệp lâu dài ngày càng gia tăng. Chuyên viên trị liệu Nguyễn Thị Liệu phân tích: Có những trường hợp trẻ bị mắc chứng tự kỷ bởi yếu tố di truyền nhưng khi được đón nhận bằng tình yêu thương ngay từ khi còn trong bụng mẹ, được lớn lên trong một gia đình giàu tình cảm, có sự quan tâm đúng cách của người thân thì có thể dễ dàng can thiệp và khả năng hòa nhập của các cháu rất cao. Và ngược lại, trong một môi trường thiếu sự quan tâm, không được đón nhận tình yêu thương thì trẻ tự kỷ sẽ biểu hiện những diễn biến phức tạp, khi can thiệp cũng mất rất nhiều thời gian.

“Tôi nhấn mạnh đến sự quan tâm đúng cách là bởi, hiện nay nhiều phụ huynh quan tâm thái quá đến việc ăn, uống, tăng cân của con mà không để ý đến tiến trình phát triển tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, việc cho trẻ tiếp xúc sớm và quá nhiều với các thiết bị công nghệ trong một thời gian dài cũng khiến trẻ gia tăng những dấu hiệu tự kỷ như: ngại tiếp xúc, không thể hòa nhập vui chơi với bạn bè, không biết cách tương tác với người đối diện, giảm sự chú ý đến mọi việc xung quanh”-chị Liệu nhận định.

Cũng theo chuyên viên trị liệu Nguyễn Thị Liệu, một trong những nguyên nhân khiến việc can thiệp gặp khó khăn là các em được tham gia trị liệu khá muộn, thường 4-6 tuổi cha mẹ mới bắt đầu nhận ra những dấu hiệu bất ổn ở con như: ngại tiếp xúc, không giao tiếp bằng mắt, kém chú ý, không quay lại khi được gọi tên... Trong khi đó, độ tuổi lý tưởng để trị liệu cho trẻ tự kỷ là 1-3 tuổi, tức là trước tuổi các bé đi học mẫu giáo. Hiện nay, bên cạnh những phụ huynh mạnh dạn, dũng cảm đối diện với tình trạng của con, sẵn sàng lên tiếng để giúp các bậc làm cha, làm mẹ khác nhìn nhận đúng vấn đề thì vẫn còn rất nhiều phụ huynh tự trấn an mình bằng cách phủ nhận tình trạng bệnh của trẻ.

Là một người cha đã từng đau khổ khi phát hiện con bị tự kỷ lúc mới 18 tháng tuổi, anh Hoàng Hoa Hải (công tác tại Quân đoàn 3) nay đã tìm lại được niềm vui khi sau một thời gian đưa con tham gia trị liệu. “Cháu đã tự kiểm soát được hành động của mình, biết nghe lời cha mẹ, biết thể hiện tình cảm và đã bắt đầu chơi với bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, khả năng học và ghi nhớ tiếng Anh của cháu khá tốt”-anh Hải vui mừng nói. Trước đó, vợ chồng anh Hải đã từng phải thay nhau đi xin lỗi hàng xóm bởi những hành vi có phần kỳ lạ, không khuôn phép của con. Khi quyết định công khai tình trạng của con thì gia đình anh Hải và bản thân cháu bé đã nhận được rất nhiều sự cảm thông của mọi người. Vợ chồng anh bắt đầu từ chối những buổi gặp gỡ không cần thiết để dành thời gian nhiều nhất có thể cho con. Tại lớp trị liệu của cô Liệu, anh Hải tự nguyện in ấn băng rôn, mang theo loa đài để tham gia tuyên truyền về trẻ tự kỷ, với mong muốn góp phần nhỏ giúp các gia đình và xã hội có cái nhìn đúng về hội chứng này để tránh sự kỳ thị, xa lánh, tạo điều kiện cho các bé hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm