Điểm đến Gia Lai

Trà hoa vối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi hừng đông vừa xòe quạt, mẹ tôi đã dậy nhóm bếp. Việc đầu tiên của ngày mới là bắc chiếc ấm đất đun hoa vối khoảng 15 phút rồi cẩn thận rót ra chiếc bát chân tượng; khi rót phải đưa vòi ấm lên thật cao để bọt nước sủi lên trào ra miệng như rót bia. Nước có màu vàng nhạt, uống vào có vị đắng nhẹ nhưng sau mới thấm ngọt, hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Vối là loài cây hoang dã mọc nhiều ở các bờ sông, bờ suối hoặc các vùng đất trũng. Gia đình tôi sống nhiều đời trên vùng đất Tân Phong (xã Tân An, huyện Đak Pơ, đoạn gần sông Ba) nên thường dùng nước lá vối dân dã quanh năm, như một thức uống không thể thiếu vì rất tốt cho sức khỏe mà lại không phải mất tiền mua.
Trà hoa vối. Ảnh: internet
Trà hoa vối. Ảnh: internet
Vối có 2 loại: vối nếp và vối tẻ, lá đều có màu xanh đậm, lá non có màu xanh lá mạ. Lá vối tẻ to hơn lá vối nếp, có thể lớn hơn bàn tay. Hoa vối có màu lục nhạt, lớn bằng đầu đũa, khi nở xòe 4 cánh có màu trắng, tua nhụy dài thành chùm mang mùi thơm đặc trưng. Quả hình cầu hay hình trứng, bóng, to bằng ngón tay trỏ người lớn, rốn quả có vòng tròn, khi chín màu đỏ sẫm. Tôi còn nhớ vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, cứ vào khoảng tháng 5 Âm lịch hàng năm, tôi lại theo mẹ xuống bờ sông Ba để hái bông vối. Chỉ cần đi dọc bờ sông là gặp ngay những cây vối, có gốc to 2 người ôm, da xám nâu, xù xì, tán xòe rộng nhoài ra lòng sông. Trên cành, hoa vối chen nhau chi chít. Mẹ tôi chọn những chùm hoa hãy còn là búp, dùng dao liềm nối dài cán, móc dứt từng chùm rơi xuống. Mẹ bảo, hoa đã nở không còn ngon, dùng búp phơi khô sẽ để dành được lâu hơn và uống thơm ngon hơn.
Những bao hoa vối hái về được đổ ra nia phơi khoảng 4 nắng to là khô; lúc này, hoa có màu sẫm đen như hạt tiêu khô. Những ngày hết hoa vối, mẹ lại xuống sông hái lá vối non đem về rửa sạch, cho vào nồi hấp chín mới đem ra phơi khô và để dành uống. Lá vối sau khi hấp sẽ bớt hăng, chát, khi hãm trà sẽ nhanh ra hơn và nước có màu vàng sánh, mùi thơm dễ chịu hơn uống lá tươi.
Mẹ tôi thường dặn lúc chưa ăn không nên uống nước lá vối, và chỉ nên uống một lượng vừa phải vì nó sẽ gây đói bụng. Về mùa hè, chúng tôi thường bị các bệnh về mắt và kinh nghiệm của mẹ là đun đậm đặc hoa vối rồi đổ ra thau để nguội dùng rửa mặt. Có lần, anh em chúng tôi đun lửa ngoài vườn chơi trò nấu cơm bằng lon sữa bò, vô ý làm đổ nước làm bỏng cả bàn chân, mẹ tôi liền dùng hoa vối khô giã nhỏ rồi lọc qua nước thoa lên chỗ bỏng giúp da ít phồng, dịu đau hơn. Ngoài ra, mẹ còn kể, trẻ em bị ghẻ lở, chốc đầu nếu dùng lá vối tươi sắc nước đậm đặc rửa nhiều lần sẽ khỏi.
Sau này, tôi đi công tác ở các vùng như Kông Chro, Kbang đều thấy các cửa hàng mậu dịch thu mua rất nhiều lá vối. Tìm hiểu thêm thì được biết lá vối tươi non, hãm như hãm trà dùng để uống sẽ giúp tiêu hóa rất tốt. Đặc biệt, khi sử dụng thường xuyên chè vối, các hợp chất flavonoid trong nụ hoa sẽ giúp người bị tiểu đường kiểm soát đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa. Vì uống nụ vối, lá vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể dùng thường xuyên.
Sau hơn 5 thập niên trở lại, dọc 2 bên bờ sông Ba cũng như các bờ suối, những cây vối không còn nhiều nữa. Tuy vậy, với tác dụng tốt cho sức khỏe, loại cây này đang được nhiều gia đình đua nhau ươm, trồng trong vườn nhà để sử dụng, nhưng muốn thưởng thức được nước hoa vối thì phải chờ ít nhất 5-7 năm. Vì vậy, đa số các gia đình thường sử dụng lá vối để hãm trà, còn trà hoa vối hiện khá hiếm.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm