Thế nhưng, gần đây, khi SIM "rác" vừa có dấu hiệu tạm lắng do những động thái chấn chỉnh, thì người dân cũng chẳng thể vui mừng do cuộc gọi "rác" vẫn hoành hành. Cuộc gọi "rác" cứ như bạch tuộc nhiều vòi mà chặt mãi không đứt.
Trong đó, như Thanh Niên phản ánh, dư luận đang ngán ngẩm bởi các cuộc "dội bom" từ những đầu số tổng đài, nổi bật là đầu số 02888xxx. Đây là một đầu số cố định dùng cho điện thoại bàn làm số hotline, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoặc tư vấn. Dịch vụ này được cung cấp bởi một doanh nghiệp viễn thông được cấp phép.
Như thế, nguồn gốc bùng phát những cuộc gọi "rác" trên không hề "vô chủ", mà có địa chỉ rõ ràng để có thể quy trách nhiệm. Bản thân doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dịch vụ tổng đài ảo phải liên đới chịu trách nhiệm nếu để phía sử dụng dịch vụ có hành vi sai trái. Đó là trách nhiệm kiểm soát mà doanh nghiệp kinh doanh viễn thông phải có, bắt nguồn từ đặc trưng và vai trò của lĩnh vực này.
Không những vậy, sự bùng phát của các cuộc gọi rác trên chắc chắn giúp cho đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông thu về không ít nguồn lợi. Như thế, người ta có quyền đặt ra câu hỏi phải chăng nhà cung cấp dịch vụ đã "nhắm mắt làm ngơ" để thu lợi?
Bên cạnh đó, thực trạng lợi dụng đầu số cố định kết hợp tổng đài ảo nêu trên đã tồn tại từ một vài năm qua. Nên việc tệ nạn này tồn tại đến nay có trách nhiệm của các cơ quan quản lý viễn thông.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, sau SIM "rác" hay dịch vụ tổng đài ảo với đầu số cố định như trên, những đối tượng tổ chức cuộc gọi "rác" chắc chắn sẽ có thêm những chiêu trò mới. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động đánh giá, kiểm soát các dịch vụ viễn thông mới ngay từ khi cấp phép, tăng cường gắn chặt trách nhiệm của những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Việc chủ động đánh giá những rủi ro không phải quá thách thức. Điển hình, không khó để thấy được từ sớm về rủi ro tổng đài ảo bị lợi dụng thực hiện cuộc gọi "rác".
Và nếu đã không phòng ngừa hiệu quả từ sớm, mà còn không giải quyết triệt để những tồn tại đã được dư luận phản ánh, thì cơ quan liên quan rõ ràng đang buông lỏng trách nhiệm.
Chính vì thế, để giải quyết triệt để tình trạng cuộc gọi "rác", trách nhiệm trước hết từ cơ quan quản lý viễn thông.