Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện một tiểu hành tinh đang trên hành trình tiếp cận trái đất ở khoảng cách còn gần hơn cả mặt trăng - địa cầu.
Mô phỏng một tiểu hành tinh di chuyển gần trái đất ẢNH: NASA |
Theo trang Tech Times, tiểu hành tinh 2011 ES4 có đường kính từ 22 - 49 m, tốc độ di chuyển đạt gần 30.000 km/giờ. Trong khi kích thước và vận tốc của nó không có gì khác thường. Điều “bất thường” duy nhất là 2011 ES4 sẽ tiếp cận trái đất với khoảng cách 71.800 km vào khuya 1.9 (giờ VN), có nghĩa chỉ bằng 1/5 khoảng cách trung bình trái đất - mặt trăng là 384.400 km.
Các chuyên gia NASA cũng thở phào nhẹ nhõm vì tiểu hành tinh trên có đường kính khiêm tốn, nên trong trường hợp chẳng may chệch hướng và lao vào trái đất, nhân loại sẽ không bị đẩy đến ngưỡng diệt vong. Tuy nhiên, dù kích thước nhỏ, 2011 ES4 cũng sẽ tạo ra một vụ nổ chấn động tầng khí quyển.
Trước đó, một thiên thạch phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk (Nga) vào ngày 15.2.2013 chỉ có đường kính khoảng 18 m, nhưng vẫn đủ sức gây ảnh hưởng đáng kể ở phạm vi địa phương. Vào thời điểm nổ, thiên thạch phóng thích năng lượng gấp 33 lần bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật). Khoảng 1.491 người bị thương trong sự kiện lần đó, chủ yếu do kính vỡ bởi tác động của sóng xung kích phóng thích từ vụ nổ và bị bỏng da vì luồng ánh sáng chói lóa có cường độ gấp 30 lần ánh sáng mặt trời, theo Hãng tin RT. Ít nhất 112 người phải nhập viện và 2 trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng.
Vì thế, trong trường hợp xấu nhất, 2011 ES4 (có kích thước lớn gấp 3 lần thiên thạch Chelyabinsk) “lỡ” tấn công địa cầu, mức độ thiệt hại cũng sẽ đáng kể.
Theo Hạo Nhiên (Thanh Niên)