Trại giam Gia Trung: Đào tạo nghề cho phạm nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc giáo dục, cảm hóa, Ban Giám thị Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) còn chú trọng công tác dạy nghề cho phạm nhân. Điều này giúp các phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống, tránh sa chân vào con đường tội lỗi. 
Đại tá Nguyễn Đình Ba-Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Gia Trung-cho biết: “Việc giáo dục, cảm hóa gắn liền với dạy nghề cho phạm nhân luôn được đơn vị chú trọng. Dựa vào nhóm tuổi, trình độ học vấn, chúng tôi bố trí cho phạm nhân lao động, học nghề thích hợp để sau khi mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng họ tự kiếm sống bằng nghề đã học ở Trại. Chính vì vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ làm công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân luôn có thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết để họ có ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy định của trại và yên tâm cải tạo”.
Các phạm nhân đang lắp hệ thống nước trong phân trại. Ảnh: H.P
Theo chân Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh, chúng tôi đến Phân trại số 3. Trung tá Quỳnh cho biết, ngoài việc quản lý chặt chẽ phạm nhân, đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, Ban Giám thị Trại đặc biệt quan tâm đến công tác hướng nghiệp dạy nghề cho số đối tượng này. Những nghề như: sửa chữa xe máy, nề, điện dân dụng, may, cơ khí, thêu ren, trồng trọt... được các phân trại chủ động đề xuất với Ban Giám thị liên kết với các đơn vị bên ngoài tổ chức đào tạo. Việc này giúp phạm nhân có được cái nghề để tự nuôi sống mình khi được tái hòa nhập cộng đồng.
Thông qua công tác dạy nghề, hầu hết phạm nhân đều nêu cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, yên tâm cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Phạm nhân N.V.B. ở huyện Kông Chro thụ án tại Phân trại số 3 được 3 năm. B. cho biết, khi mới học nghề sửa chữa điện nước, anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ quản giáo, chỉ sau hơn 20 ngày học, B. đã thành thạo các kỹ thuật cơ bản. Sau 6 tháng học tập, anh được cấp chứng chỉ nghề sửa chữa điện nước. “Thời gian ở trại giam, tôi hiểu rằng, con đường nhanh nhất để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình là phải nỗ lực cải tạo, chăm chỉ học nghề. Có nghề trong tay, sau này tôi có thể làm lại cuộc đời, sống bằng sức lao động của mình”-phạm nhân N.V.B. bộc bạch. Còn phạm nhân Kpă K.(SN 2000, ở huyện Chư Prông) đang thụ án 5 năm tù tại Phân trại số 3 về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì cho biết: “Khi vào đây cải tạo, em được theo học nghề nề. Lúc đầu cũng khó nhưng sau cố gắng, lại được cán bộ chỉ dạy, hướng dẫn nên em tiếp thu nhanh hơn. Giờ tay nghề của em đã cứng cáp. Sau này ra trại, em sẽ tìm việc làm ổn định với nghề này”.
Sau khi ra trại các phạm nhân tìm việc làm ổn định cuộc sống. Ảnh: H.P
Sau khi phạm nhân thành thạo nghề được dạy, Ban Giám thị phân bổ họ về các đội sản xuất. Những phạm nhân này cùng với cán bộ quản giáo tiếp tục dạy lại cho những phạm nhân khác. Với cách làm này, nhiều phạm nhân chấp hành án ở Trại có ý thức học nghề đều thông thạo một nghề nhất định. “Với những nghề đã được học trong Trại, nhiều phạm nhân sau khi mãn hạn tù trở về hòa nhập với cộng đồng có cơ hội tìm kiếm việc làm, xây dựng cuộc sống ổn định, hạn chế tỷ lệ tái phạm. Ban Giám thị cũng chủ động cung cấp thông tin phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù về địa phương để có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ làm lại cuộc đời. Sau khi ra trại, tìm được việc làm ổn định không chỉ là ước mơ của các phạm nhân mà còn là mong mỏi của cả xã hội. Vì vậy, việc lao động và học nghề trong trại giam là cần thiết, giúp các phạm nhân hiểu giá trị của lao động, biết quý trọng những thành quả mình làm ra, từ đó nỗ lực phấn đấu hoàn lương để làm lại cuộc đời”-Đại tá Nguyễn Đình Ba nhấn mạnh.
KHÁNH PHONG 

Có thể bạn quan tâm