Điểm đến Gia Lai

Trải nghiệm với làng Chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại làng Chiêng (thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai), nhiều hộ dân đã tham gia làm dịch vụ du lịch khi chung tay sáng tạo những món ăn, quà lưu niệm mang đậm bản sắc của người Bahnar. Nơi đây cũng được lựa chọn là một trong những điểm cung cấp dịch vụ du lịch trong Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ 2 sắp tới.
Nhiều du khách đến tham quan thác Hang Dơi (thị trấn Kbang) ít nhiều đã biết đến các món ăn dân dã, truyền thống của người Bahnar, dưới bàn tay chế biến của chị Đinh Thị Cúc ở làng Chiêng. Trong thời gian nửa năm trở lại đây, chị Cúc cùng một số chị em trong làng chung tay nấu các món ngon truyền thống của dân tộc để phục vụ du khách. Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách khi đặt chân đến Kbang đã liên hệ trước với chị Cúc để được thưởng thức ẩm thực Bahnar. 
 Một góc “Không gian văn hóa ẩm thực làng Chiêng”.  Ảnh: H.D
Một góc “Không gian văn hóa ẩm thực làng Chiêng”. Ảnh: H.D
Chia sẻ về lý do bén duyên với công việc này, chị Cúc cho biết: Mọi việc bắt đầu từ khi chị tham gia Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018. Thấy chị em các làng trong huyện đem đến ngày hội nhiều món ăn truyền thống và được đông đảo du khách đón nhận, chị cũng quyết tâm làm. Tại ngày hội, chị tham gia gian hàng giới thiệu các món ăn được chế biến từ thịt gà, có ngày bán được tới 65 con gà. Sau đó, chị tham gia học 1 lớp về kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch. Tận dụng cơ hội tốt khi nhà của chị ở ngay trước cổng làng Chiêng và nằm trên trục đường từ thị trấn Kbang đi vào thác Hang Dơi, chị Cúc mở quán ăn mang tên “Không gian văn hóa ẩm thực làng Chiêng”. “Quán có 5 ngôi nhà sàn nhỏ để khách dừng chân dùng bữa, đồng thời, bán các sản phẩm truyền thống của người Bahnar như: thổ cẩm, gùi, thúng, nỏ…”-chị Cúc cho hay. 
Tại làng Chiêng, đồng hành cùng với chị Cúc còn có các hội viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm. Tại Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2018, làng Chiêng được chọn để giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và chị em đã bán được khá nhiều sản phẩm cho du khách, như: chăn, khố, áo ló cho trẻ em và người lớn, dây cột đầu, túi xách… thu về gần 10 triệu đồng. Chị Đinh Thị Hà-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Chiêng-chia sẻ: Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm có 30 hội viên. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mỗi dịp có du khách đến Kbang, các sản phẩm thổ cẩm của Câu lạc bộ lại được giới thiệu để bán. Nhờ vậy mà hàng tháng, chị em phụ nữ đều có thêm thu nhập và ngày thêm gắn bó với nghề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thiêng-Bí thư chi bộ làng Chiêng-cho biết: Từ thị trấn đi vào làng Chiêng có đoạn đường đi lên thác Hang Dơi. Từ khi huyện đưa thác Hang Dơi vào làm điểm du lịch, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con xây dựng đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp; vận động đoàn viên, thanh niên trong làng chung tay dọn vệ sinh đoạn đường vào thác Hang Dơi để giữ cảnh quan môi trường. Đồng thời, chúng tôi cũng nhắc nhở, động viên hội viên, phụ nữ tích cực tham gia dệt thổ cẩm; làng thì tiếp tục duy trì đội cồng chiêng...
Cùng với làng Chiêng, hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang đã có nhiều làng tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch như: làng Stơr (xã Tơ Tung), làng Mơ Hra, làng Kjang (xã Kông Lơng Khơng)… Những việc làm này góp phần không nhỏ trong việc xây dựng huyện Kbang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
HÀ DUYỆT

Có thể bạn quan tâm