Văn hóa

Trầm tích nơi ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếng vọng trăm năm

Về làng Nú dịp cuối năm, đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được mùi thơm của hoa điều đang đua nhau nở rộ. Dừng chân trước nhà già làng Rơ Châm Hmơnh, chúng tôi thấy ông đang vui chuyện với mấy người lớn tuổi. Nghe chúng tôi hỏi chuyện làng, ai nấy đều bày tỏ niềm hân hoan, phấn khởi.

Già làng Hmơnh nhớ lại: “Trước những năm kháng chiến chống Pháp, làng ở bên kia sông Pô Cô, nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Kon Tum. Khi bom đạn kẻ thù liên tục dội xuống, nương rẫy tan hoang, dân làng quyết định dời qua bên này. Địa điểm lập làng là doi đất nơi suối Ia Plú đổ ra sông Pô Cô. Sau đó có đôi lần dời qua, dời lại. Sau ngày giải phóng, làng định cư ở bờ bên này sông thuộc tỉnh Gia Lai”.

Ông Rơ Lan Pênh tiếp lời: “Làng Nú có truyền thống yêu nước. Trong những năm tháng cả nước đánh Mỹ, dân làng hăng hái tham gia cách mạng, người nuôi giấu cán bộ, người chèo thuyền chở lương thực, đạn dược và bộ đội vượt sông Pô Cô. Tiêu biểu nhất là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Puih San (A Sanh). Bến đò A Sanh ở cuối làng đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Chúng tôi rất tự hào về điều này”.

Các nghệ nhân trình diễn tại Hội đua thuyền độc mộc và liên hoan cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022. Ảnh: Nguyễn Xuân Hà

Các nghệ nhân trình diễn tại Hội đua thuyền độc mộc và liên hoan cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022. Ảnh: Nguyễn Xuân Hà

Theo già làng Hmơnh, làng Nú không chỉ tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm mà còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai như: tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc... Qua bao năm tháng thăng trầm, những chiếc thuyền độc mộc được đẽo bằng cây to để mưu sinh thuở nào vẫn được duy trì cho đến nay. Những nghi lễ mang đậm bản sắc của người Jrai như: pơ thi, cúng nhà rông, thổi tai… vẫn được tổ chức đều ở làng để nhắc nhở thế hệ trẻ không quên cội nguồn. “Trong huyện, làng Nú được xem là cái nôi của thuyền độc mộc. Hiện nay, làng còn có 6 chiếc thuyền. Bà con vẫn sử dụng hàng ngày để vượt sông làm rẫy, đánh cá. Tại các lễ hội đua thuyền độc mộc do UBND huyện tổ chức, người dân mang thuyền đi thi đấu và cho các địa phương khác mượn để đua cùng”-anh Puih Luih chia sẻ.

Như minh chứng cho lời nói của mình, mấy người già trong làng dẫn chúng tôi xuống bến sông “mục sở thị” thuyền độc mộc và Di tích lịch sử Bến đò A Sanh. Giữa sông nước mênh mang, mấy chiếc thuyền độc mộc neo sát bờ, lắc lư theo con sóng vỗ ì oạp. Mở xích khóa, 2 ông Hmơnh và Pênh chèo một chiếc thuyền độc mộc ra đoạn hợp lưu giữa suối Ia Grai với sông Pô Cô như một sự trình diễn cho chúng tôi thưởng lãm.

Tương lai vẫy gọi

Mỗi ngôi làng đều trải qua những biến thiên của lịch sử. Làng Nú cũng không ngoại lệ. Chiến tranh, phương thức canh tác lạc hậu khiến dân làng một thuở luẩn quẩn trong đói nghèo. “Lúc chuyển từ Kon Tum sang Gia Lai lập làng, nhà ai cũng bé tẹo, thưng vách bằng lồ ô, mái lợp lá cây rừng. Cây lúa rẫy năm được mùa thì ít, năm mất mùa thì nhiều nên chúng tôi phải thường xuyên vào rừng hái lá, trái cây và săn thú rừng làm thức ăn chống đói”-ông Hmơnh hồi nhớ.

Từng làm cán bộ xóa đói giảm nghèo khi xã Ia Khai và Ia Krai chưa chia tách, anh Luih nhớ như in một thời khốn khó của làng Nú: “Những năm 2000 trở về trước, hơn 90 hộ dân trong làng thuộc diện đói nghèo. Phương thức sản xuất vẫn chủ yếu là đốt nương, chọc trỉa. Trồng nơi này được 1-2 năm thì chuyển sang nơi khác phát rẫy trồng tiếp. Lương thực không đủ ăn. Vì thế, dân làng phải trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Mình đã từng mang gạo, muối, áo quần phát cho từng hộ dân”.

Người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng như đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng. Ảnh: Hoành Sơn

Người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng như đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng. Ảnh: Hoành Sơn

Làng Nú hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Bước ngoặt là từ năm 2003, khi làng được dời từ khu vực suối Ia Plú về nơi tái định cư để phục vụ thi công Thủy điện Sê San 3. Về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 3,5 sào đất và ngôi nhà xây cấp 4. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng điều. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp bắt đầu mở rộng diện tích trồng cao su trên địa bàn xã. Thích ứng với thời cuộc, dân làng Nú bắt đầu trồng điều, cao su, cà phê. Nguồn thu nhập từ cây công nghiệp đã giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Chúng tôi xách xe máy chạy một vòng quanh làng trên những con đường nhựa phẳng phiu mà tưởng như đang dạo ở khu phố nhỏ. Những ngôi nhà xây to đẹp, khang trang kề nhau san sát. Ông Hmơnh cho hay, làng có 115 hộ thì chỉ còn 6 hộ chưa ở nhà xây; hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo ở làng còn 8. Còn theo Chủ tịch UBND xã Mai Thị Lương, làng Nú có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển nhất xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm. Nhiều hộ có nguồn thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp; đơn cử như gia đình anh Puih Luih có thu nhập 250-300 triệu đồng/năm.

Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Làng Nú là một trong những làng sở hữu tiềm năng phát triển du lịch. Tới đây, UBND huyện sẽ thi công đoạn đường từ làng Nú xuống bến đò A Sanh để việc đi lại được thuận tiện hơn. Ngoài ra, từ năm 2023 trở đi, Ia Khai sẽ tổ chức giải đua thuyền độc mộc quy mô cấp xã tại bến đò A Sanh. Thông qua hoạt động này sẽ thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm