Trạm Y tế xã Ia O: Chăm lo sức khỏe người dân vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài việc khám-chữa bệnh, Trạm Y tế xã Ia O (huyện Ia Grai) còn làm tốt công tác y tế dự phòng nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới.

Điểm sáng trên biên giới

Trạm Y tế xã Ia O phụ trách khám-chữa bệnh ban đầu cho người dân trong xã và công nhân của các công ty cao su đứng chân trên địa bàn. Đồng thời, Trạm còn thu dung và điều trị cho nhân dân các xã của huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum) và nhân dân nước bạn Campuchia. Trạm hiện có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 dược sĩ. Đội ngũ cán bộ y tế có tuổi đời từ 25 đến 36 và được đào tạo bài bản ở các trường y dược có uy tín trong cả nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng biên giới huyện Ia Grai gặp nhiều thuận lợi.

 

Khám bệnh cho người dân ở làng Tăng (xã Ia O). Ảnh: N.T
Khám bệnh cho người dân ở làng Tăng (xã Ia O). Ảnh: N.T

Theo bác sĩ Rơ Châm Byinh-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia O, những năm gần đây, số lượt bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ban đầu tại đây rất đông. Bình quân mỗi năm, Trạm khám và điều trị khoảng 3.000 lượt bệnh nhân. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2018, Trạm đã khám-chữa bệnh cho hơn 500 lượt bệnh nhân. Có mặt tại Trạm Y tế xã Ia O ngày cuối tuần sau Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi nhận thấy có nhiều bệnh nhân đến khám-chữa bệnh. “Thấy con trai có vẻ mệt trong người nên tôi đưa cháu đến khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ bảo rằng do thời tiết thay đổi, nắng nóng bất thường nên con tôi mệt thôi”-chị Rơ Châm H’Loan (làng Tăng, xã Ia O) chia sẻ.

Bên cạnh khám-chữa bệnh ban đầu, hàng năm, đội ngũ cán bộ y tế còn làm tốt công tác dự phòng và các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Trong năm 2017, xã Ia O có 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trạm Y tế xã Ia O đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng-chống, không để xảy ra các ổ dịch lớn, giúp người dân yên tâm sản xuất; đồng thời tổ chức phun hóa chất và vận động người dân dọn vệ sinh môi trường loại trừ nguồn lây bệnh sốt xuất huyết.

Năm 2017, Trạm Y tế xã Ia O đã cấp 3.000 võng có màn đã tẩm hóa chất tồn dư phòng sốt rét cho người dân, xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét cho 837 trường hợp. Song song với đó, Trạm còn triển khai có hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng cho bà mẹ và trẻ em trên địa bàn. Trong năm 2017, Trạm đã tiêm chủng mở rộng cho gần 1.000 lượt  người; tổ chức tẩy giun cho 353 trẻ em, đạt 98,6% kế hoạch. “Những năm trước đây, trên địa bàn xã còn xảy ra tình trạng người dân tổ chức cúng bắt ma khi có người ốm nhưng nay không còn nữa. Tình trạng sản phụ tự sinh ở nhà cũng giảm rất nhiều”-bác sĩ Byinh cho hay.

Vẫn còn khó khăn

Toàn xã có hơn 10.000 dân, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, chủ yếu là người Jrai. Dân cư phân bố rải rác, có những làng ở sát đường biên giới khiến cho công tác phòng-chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. “Mặc dù chúng tôi tích cực tuyên truyền nhưng người dân còn thói quen không ngủ màn khi đi rẫy nên vẫn còn có người mắc sốt rét. Đa phần các trường hợp mắc sốt rét này đều do ngủ rừng làm rẫy hoặc qua thăm người thân tại một số làng giáp ranh vùng biên giới của Campuchia. Trong năm 2017, tại xã có 22 trường hợp mắc sốt rét”-bác sĩ Byinh cho biết.

Một khó khăn nữa ở Trạm Y tế xã Ia O là tình trạng thiếu nước sạch. Mặc dù Trạm có giếng nước nhưng đến mùa khô là thiếu nước và nhiễm bẩn. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến công tác vệ sinh cá nhân, rửa dụng cụ phục vụ khám-chữa bệnh. Thiếu nước còn khiến vườn thuốc Nam thường xuyên bị khô héo do nắng nóng. Y sĩ Vũ Thị Quỳnh Lan chia sẻ: “Vào mùa khô, giếng nước đục lắm, không dùng được. Chúng tôi phải thường xuyên qua mấy nhà dân xin về để đun nấu nước uống, thức ăn và rửa dụng cụ y tế”.

Ngoài ra, hiện Trạm Y tế xã Ia O vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế. Một số lượng ít rác thải y tế được chở về Trung tâm Y tế huyện để xử lý, phần còn lại được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt thông thường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm