Tràn ngập trái cây Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hết táo, lê, cam, mận… nay lại đến nho, xoài vàng, dưa lưới Trung Quốc, thậm chí là nhãn liên tiếp bày bán trên các cung đường của TP. Pleiku. Những sạp trái cây ngon mắt, gắn những cái tên từng khẳng định thương hiệu trái cây Việt: đào, mận Sa Pa hay nho đỏ Đà Lạt… nhưng theo chia sẻ của người am hiểu thì thực chất hầu hết là trái cây Trung Quốc.

Đâu đâu cũng bán trái cây Trung Quốc

Khu vực chợ trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Diên Hồng) là nơi tập trung mua bán các loại trái cây lớn nhất hiện nay ở TP. Pleiku. Mặc dù ý thức về các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng các loại trái cây không sạch nhưng không vì thế, sức mua của người dân đối với loại sản phẩm này giảm sút. Không thích mua trái cây Trung Quốc song không phải ai cũng có kinh nghiệm lựa chọn. Người bán hàng vì muốn lấy lòng tin người tiêu dùng nên vô tư gắn mác Việt cho các loại trái cây Trung Quốc. “Ở chợ này không dưới một nửa là trái cây nhập từ Trung Quốc. Từ cam, nho, lựu, táo (bom), lê cho đến dưa lưới, xoài vàng… đều là của Trung Quốc. Trái cây Việt Nam chỉ có sầu riêng, xoài, cam, quýt, chôm chôm, thanh long… Hàng Thái Lan nhập về cũng có nhưng ít lắm, giá thành lại cao nên không dám nhập nhiều”-chị P., một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại đây cho biết.

 

Trái cây Trung Quốc vẫn tràn ngập tại các chợ. Ảnh: H.L
Trái cây Trung Quốc vẫn tràn ngập tại các chợ. Ảnh: H.L

Từ kinh nghiệm phân biệt trái cây Trung Quốc mà chị P. chia sẻ, P.V đã khảo sát tại nhiều điểm chợ khác trong khu vực nội thành Pleiku như: Hoa Lư, Phù Đổng, Thống Nhất, Chư Á, Trà Bá… đều thấy rằng, các sạp buôn bán trái cây cũng không tránh khỏi tình trạng như tại chợ đầu mối.

Dù cách xa với cửa khẩu Trung Quốc cả ngàn cây số nhưng Gia Lai cũng không tránh khỏi phạm vi ảnh hưởng. “Mấy hôm đi làm về, thấy sạp nho tươi và ngon mắt ghi là nho đỏ Đà Lạt bày bán ngay đối diện trụ sở Bộ đội Biên phòng tỉnh nên ghé vào mua. Thế nhưng khi xem, tôi nhận ra đây là loại nho đỏ tím, quả to như đầu ngón tay cái mà lâu nay mấy chị bán hàng cứ gọi là nho Mỹ, trong khi đấy là nho Trung Quốc, tôi bèn bỏ đi chứ không dám mua”-chị Lê Thị Vi Phương (tổ 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku) nói.

Còn chị Nguyễn Thị Hà (tổ 3, phường Trà Bá, TP. Pleiku) lại tỏ ra thận trọng với tất cả các loại trái cây đẹp và ngon mắt. “Tôi là người gốc Bắc nên thích ăn đào, mận lắm. Thấy người ta bán đào trái to 0,4-0,5 kg/trái, vỏ hồng mịn, tôi nghi ngờ vì xưa giờ trái đào mỏ quạ không thể to như thế. Vừa rồi đọc báo thấy nói đấy là đào Trung Quốc nên tôi chẳng dám mua. Họ cũng bán mận đỏ tím, rao là mận Sa Pa nhưng tôi không tin. Bây giờ thật giả lẫn lộn, an tâm nhất là mua trái cây vườn Gia Lai thôi”-chị Hà chia sẻ.

“Gắn mác” Việt cho trái cây Trung Quốc

Thời gian gần đây, khu vực Cầu số 3 hầu như ngày nào cũng xuất hiện một chiếc xe ô tô tải đậu bán trái cây bên đường. Nếu chiếu theo những gì mà chị P.-chủ sạp trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ thì trái cây bày bán ở đây đa phần là của Trung Quốc. Giá không hề rẻ: dưa lưới 45 ngàn đồng/kg, cam 50-60 ngàn đồng/kg, bom 40 ngàn đồng/kg, nho đỏ 70-80 ngàn đồng/kg… Mỗi khi khách hỏi về nguồn gốc, chủ sạp cam kết trái cây từ miền Tây và miền Bắc chứ không phải hàng Trung Quốc.

Còn với chủ sạp nho đỏ Đà Lạt bày bán đối diện trụ sở Bộ đội Biên phòng tỉnh, khi thắc mắc không giống với nho Đà Lạt, chị bán hàng giải thích… không biết, vì chỉ biết nhập về bán, mối nói thế nào, bán thế ấy. “Mình từng học và sống ở Đà Lạt 4 năm, biết ở bên ấy không trồng nhiều nho dù rượu vang Đà Lạt rất nổi tiếng. Với lại, mình cam đoan rằng, đây không phải là nho Đà Lạt, vì nho Đà Lạt quả đỏ tươi, nhỏ tương đương với nho Ninh Thuận chứ không to nổi bật như loại này”- chị Lê Thị Vi Phương chia sẻ.

Trước thực trạng nhiều người bán hàng sẵn sàng “đội lốt” đặc sản Việt cho trái cây Trung Quốc, chị Phương cảm thấy rất khó chịu. “Mình rất thận trọng trước các loại sản phẩm của Trung Quốc. Điều mình khó hiểu là tại sao người mình lại cố tình lừa dối để rồi hại chính người Việt chỉ vì chút lời lãi?”-chị Phương nói. Còn chị Nguyễn Thị Hà thì cho rằng, nếu cứ bán hàng theo kiểu “gắn mác” lung tung như thế thì không chỉ “móc túi” và hại người tiêu dùng mà vô hình trung người bán trở thành thủ phạm gián tiếp làm hại đến nông dân và hủy diệt dần những thương hiệu trái cây vốn là niềm tự hào của đất Việt.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm