(GLO)- Đạt hàng ngàn giải thưởng trong nước và quốc tế, có ảnh tham gia triển lãm ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia chấm ảnh nhiều cuộc thi trong nước và thế giới…, với sự nghiệp thành công rực rỡ ấy, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong lại khá trầm lặng, ngại nhắc đến thành tích.
Ghi giữ ký ức Tây Nguyên
Cuối tháng 11-2018, triển lãm ảnh về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” diễn ra tại Gia Lai một lần nữa khiến người xem vừa hạnh phúc, vừa nuối tiếc. Hạnh phúc khi thưởng thức kho tàng văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Tây Nguyên, và nuối tiếc, lo lắng trước những giá trị đặc biệt của một di sản đang dần trở nên mong manh. Những tác phẩm của NSNA Trần Phong trong triển lãm này không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà như những thước phim dân tộc học giàu giá trị nhân văn về một nền văn hóa có giá trị đặc biệt, lâu dài. Đây cũng chính là dấu ấn khó phai của một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh ở lĩnh vực ảnh tư liệu. Ông sở hữu hàng chục ngàn hình ảnh giá trị như vậy, ghi giữ “vùng đất lễ hội” lúc “đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất” (Lời giới thiệu sách “Lễ hội Tây Nguyên” của NSNA Trần Phong) cách đây hàng chục năm.
|
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Đến nay, với 37 năm cầm máy, NSNA Trần Phong rất kiên trì và nhẫn nại để thực hiện những bộ ảnh chuyên đề về văn hóa Tây Nguyên. 2 cuốn sách ảnh “Điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai” (xuất bản 1995) và “Lễ hội Tây Nguyên” (xuất bản 2008) đi theo những chuyên đề như vậy. Đó là điều mà cho đến nay, ngoài Trần Phong, có lẽ chưa ai làm, và bây giờ muốn làm cũng không kịp nữa. Chính ông cũng thừa nhận: “Có những giai đoạn sáng tác vô cùng khó khăn, máy móc “cổ lỗ sĩ”, phương tiện đi lại không có, nhưng không hiểu sao lại có thể đam mê, hăng say đến như vậy. Nhưng đó cũng là thời kỳ thăng hoa với rất nhiều tác phẩm tốt”.“Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn về làng tìm những hình ảnh về lễ hội để bổ sung vào kho tư liệu, cho việc tái bản sách nhưng không dễ làm được. Lễ hội đã phai nhạt đi nhiều, tượng mồ trong nhiều lễ bỏ mả hầu như không còn...”-NSNA Trần Phong tiếc nuối khi nói về công việc vẫn còn dang dở. Và như vậy, nhìn vào “sự biến mất của những giá trị vĩnh cửu” có thể thấy kho tàng ảnh giá trị ông ghi giữ được về “vùng đất lễ hội” từ những năm 1982 đến nay không còn là tài sản riêng của ông, mà đã trở thành gia tài vô giá với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên, những người có ý định nghiên cứu về vùng đất này bởi giá trị về mặt văn hóa, dân tộc học được ghi lại một cách chân xác nhất.
Vài năm trở lại đây, NSNA Trần Phong nghiêng về ảnh nghệ thuật nhiều hơn. Ông đi sâu khai thác vẻ đẹp nội tâm con người, sinh hoạt đời thường với những gì giản đơn, tự nhiên. Ở lĩnh vực này, ông cũng có những thành công rực rỡ. Nhưng thành công ấy không tự nhiên mà đến; đó là hành trình dài chắt chiu những ký ức và hoài niệm đẹp về Tây Nguyên, là bề dày văn hóa ông tích lũy được về vùng đất này trong nhiều chục năm, là những tình cảm chân thật, trong veo nhất của một người nghệ sĩ luôn đặt cái đẹp lên trên hết trong sáng tác nghệ thuật.
“Nghệ sĩ bậc thầy”
Cho đến nay, Trần Phong là NSNA Việt Nam duy nhất được Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) phong tặng tước hiệu MPSA (NSNA bậc thầy). Ngoài ra, ông cùng với NSNA Đào Tiến Đạt là 2 nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đạt tước hiệu EFIAP/D1 (nghệ sĩ xuất sắc hạng kim cương)-tước hiệu cao nhất của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tặng cho những nhà nhiếp ảnh tài năng, có nhiều giải thưởng và đóng góp cho nhiếp ảnh quốc tế. Ngoài ra, NSNA Trần Phong còn nhận được hàng chục tước hiệu cao quý của các tổ chức nhiếp ảnh trong và ngoài nước khác. Ông cũng là “NSNA đặc biệt xuất sắc”-E.VAPA/Gold, danh hiệu nhiếp ảnh cao nhất hiện nay của Hội NSNA Việt Nam. Tuy nhiên, đứng sau những giải thưởng danh giá, những tước hiệu cao nhất về nhiếp ảnh ấy lại là một nghệ sĩ khá trầm lặng. Ông nói: “Trước đây và ngay cả bây giờ, tôi chưa từng nghĩ chụp ảnh để đi thi đạt giải thưởng. Tôi sáng tác chỉ để thỏa mãn niềm đam mê cái đẹp”.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Việt Nam tại Gia Lai. Vài năm trở lại đây, ông thường xuyên được mời làm chủ khảo, giám khảo nhiều triển lãm, cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế. Ở lĩnh vực nghệ thuật mà ranh giới giữa cái đẹp-chưa đẹp vẫn còn rất mong manh, nhiều tranh cãi, tồn tại những quan điểm trái chiều, NSNA Trần Phong luôn giữ vững quan điểm yếu tố nghệ thuật, giá trị nhân văn xã hội là tiêu chí cao nhất trong chấm ảnh nghệ thuật. Đó là những yếu tố làm nên giá trị lâu dài và ổn định của nghệ thuật nhiếp ảnh. “Ở đây, chúng ta không nói đến “photoshop” hay “không photoshop” như tranh cãi mà hãy nói đến lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và cảm nhận nghệ thuật của tác giả đối với tác phẩm của mình”-ông nói.
|
Tác phẩm “Đua voi” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong. |
Kể từ giải thưởng đầu tiên với bức ảnh “Dáng núi” (đạt giải C ảnh xuất sắc quốc gia của Hội NSNA Việt Nam), đến nay, sau 37 năm cầm máy, NSNA Trần Phong đã đạt 1.177 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 173 huy chương vàng, cúp vàng, giải nhất và giải A. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2012, ông đạt 201 giải thưởng quốc tế tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần đây nhất, năm 2018, NSNA Trần Phong nhận được 83 giải thưởng quốc tế, trong đó có 10 huy chương vàng. |
Ông thận trọng khi nói về việc chấm ảnh tại các cuộc thi ảnh trong nước và khu vực. Bởi theo ông, công tác giám khảo, thẩm định có tác động đến phong trào sáng tác và chất lượng tác phẩm. Đối với những tác giả trẻ, nhất là những người mới vào nghề sáng tác, các giải thưởng cao được xem như những khuôn mẫu để học tập, làm theo. Việc thẩm định lệch lạc sẽ làm cho một số người ngộ nhận về khả năng của mình. Khi được mời chấm ảnh trong các cuộc thi ảnh quốc tế tại một số nước, người nghệ sĩ có bề dày kinh nghiệm, vốn liếng văn hóa tích lũy trong nhiều chục năm làm nghề càng thận trọng hơn. “Tôi phải nghiên cứu ảnh thế giới rất nhiều để thẩm định cho chính xác với vai trò giám khảo trong các cuộc thi ảnh quốc tế”-NSNA Trần Phong chia sẻ. Việc thẩm định ảnh trong các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế có những tương đồng và khác biệt, nhưng sự chuyên nghiệp và chân thành dành cho nghệ thuật nhiếp ảnh đã giúp ông “cầm cân nảy mực” đầy uy tín trong con mắt đồng nghiệp.
Hãy đi đến tận cùng
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong nói rằng, ông không cố gắng để tạo ra cái riêng trong nhiếp ảnh, bởi “điều đó là rất khó. Tôi chỉ luôn cố gắng để thấu hiểu, đi đến tận cùng điều mình muốn làm”. Khi chụp ảnh tư liệu hay sau này bước vào “lãnh địa” ảnh nghệ thuật, người nghệ sĩ này luôn nhìn mọi thứ bằng sự chân thật và tuyệt đối tôn trọng cảm xúc của chính mình. Với ông, đẹp thôi chưa đủ. Ông cho rằng, người cầm máy cần trang bị vốn kiến thức, hiểu biết nhất định về văn hóa. Về Tây Nguyên, có những thứ tuyệt đối không được dàn dựng. Bởi hiểu đúng về nó chính là sự kính trọng đối với miền đất tuyệt đẹp này. Cho dù sự biến đổi có như thế nào, nét đẹp của con người Tây Nguyên, của miền đất huyền ảo này vẫn mãi là dấu ấn khó phai.
Và như vậy, dù không cố ý, nhưng gia tài ảnh đồ sộ của NSNA Trần Phong vẫn được ví như di chúc cho một nền văn hóa. Nhìn vào đó, người ta càng khao khát khám phá, và tha thiết giữ gìn, nâng niu.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong sinh năm 1957 tại Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Ông được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam năm 1988. Sau khi Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai được thành lập năm 1988, ông cùng với NSNA Huy Tuấn được xem là những nhiếp ảnh gia đầu tiên của tỉnh (hội viên sáng lập). Hơn 30 năm hình thành và phát triển, Chi hội Nhiếp ảnh Gia Lai do NSNA Trần Phong làm Chi hội trưởng đã khẳng định được vị thế với những thành tích nổi bật. |
Hoàng Ngọc