(GLO)- Trong giới họa sĩ Gia Lai hiện tại, có lẽ Trần Quang Lực có thân phận và cả sự nghiệp lạ nhất.
Sau họa sĩ Xu Man, anh là người thứ 2 ở Gia Lai-Kon Tum trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, trước cả những họa sĩ nổi tiếng ở 2 tỉnh bây giờ như Lê Hùng, Viết Huy, Hồ Thị Xuân Thu, Ngọc Ẩn. Và anh cũng là người đầu tiên ở 2 tỉnh này có tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua để lưu trữ. Điều này là hết sức vinh dự với một họa sĩ, bởi để tác phẩm được mua bằng tiền ngân sách và đưa vào Bảo tàng Quốc gia giữ gìn như báu vật của Tổ quốc phải qua một hội đồng tuyển chọn rất khắt khe.
Nhưng anh lại cũng là người duy nhất ở 2 tỉnh này là họa sĩ mà không qua một trường lớp nào. Hầu hết các họa sĩ không đại học thì cũng trung cấp, anh chỉ dự mấy cái trại, lớp bồi dưỡng do họa sĩ Xu Man mở thuở còn Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum. Họa sĩ mà không được học cơ bản khó vẽ vô cùng... Và còn điều này cũng... kinh nữa, là anh lại sống ở tận huyện Krông Pa, một mình lủi thủi làm cái công việc không liên quan gì tới nghệ thuật.
Họa sĩ Trần Quang Lực bên tác phẩm của mình. Ảnh: Hoàng Hương Giang |
Nói gì thì nói, làm nghệ thuật là phải có sự gặp gỡ, tụ bạ bạn bè. Ngoài chuyện để nuôi dưỡng, kích thích cảm xúc thì đây còn là dịp trao đổi nghề nghiệp. Các họa sĩ hay mời nhau đến nhà xem tranh khi vừa vẽ xong là thế. Cánh nhà thơ, nhạc sĩ cũng vậy. Đây mình anh trơ trọi tít tận Krông Pa, từ hồi vừa giải phóng, hết dạy học thì được thuyên chuyển qua làm cán bộ tuyên giáo, giờ là Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Ở cái thời đói kém nhất, chúng tôi xuống thăm thì thấy vợ anh bán gà ở chợ, còn anh đắp mấy con hươu cao cổ, mấy con ngỗng làm cảnh rồi chụp ảnh lấy tiền. Con thì mấy đứa lít nhít. Vào nhà, 10 người thì 8 người bảo ông này người Jrai, 2 người bảo người Chăm, còn chủ nhà thì cứ lỏn lẻn cười.
Mỗi khi trên tỉnh thông báo triển lãm là mỗi lần anh khổ. Từ cái thời xe Krông Pa lên Pleiku phải mấy chặng, anh đóng gói tranh rồi gửi. Phải trả tiền bằng mấy người để tác phẩm của mình không bị quăng quật, được đường hoàng ngự trên ghế. Cộng cả tiền toan, màu, khung với tiền chuyên chở, mỗi lần triển lãm vợ anh mất cả tháng tiền chợ. May là thường mỗi năm chỉ triển lãm một lần. Triển lãm xong thì các tác giả thường lo tới lấy tranh mang về vì sợ hỏng hoặc mất, còn anh có khi mấy năm mới lên tìm. Sau này, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai có hẳn một góc để tranh Trần Quang Lực.
Trần Quang Lực vẽ tranh khá hiền. Có thể do tạng anh thế. Màu nguyên gần giống sư phụ mình là họa sĩ Xu Man, nội dung thường xoay quanh các chủ đề về chiến dịch đường 7-sông Bờ, nhiều hơn là sinh hoạt của đồng bào Jrai. Nếu họa sĩ Lê Hùng đắm chìm vào Tây Nguyên nhưng với phong cách ẩn dụ, cách điệu và ám ảnh thì Trần Quang Lực như bốc lửa bỏ vào giữa mùa hè Krông Pa, cứ rừng rực lên, bừng cháy lên, ngùn ngụt lên. Nhưng đấy mới là Trần Quang Lực, mới là chính anh, chứ khác đi có khi anh lại không thành anh như bây giờ.
Nhưng tôi nể Trần Quang Lực lại ở điểm khác, bởi dù sao anh cũng là họa sĩ nổi tiếng rồi, khen nữa thì chẳng khác nào vẽ màu cho chim công. Ấy là anh rất am hiểu văn hóa Jrai.
Trước tiên là tiếng Jrai. Anh là giáo viên tiếng Jrai cho cán bộ, công chức huyện Krông Pa hồi rộ lên phong trào học tiếng dân tộc. Khuôn mặt, nước da, nụ cười cộng với việc nói tiếng Jrai như người bản địa khiến người ta tưởng anh là người Jrai cũng không oan. Rồi từ tiếng nói, anh sống cùng bà con và mày mò tìm hiểu văn hóa của họ. Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai mở chuyên mục “Văn hóa dân gian” chủ yếu là để “dụ” anh viết. Tất nhiên anh không viết kiểu như các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, mà là anh kể, kể lại những gì anh thấy, anh cảm nhận, anh hiểu. Cứ rủ rỉ mà kể, như người trong cuộc chứ không phải đứng ngoài nghiên cứu. Và thì ra anh có giọng kể, lối viết rất hài hước. Nhiều người thích đọc những bài ấy của anh. Thế rồi tiến lên... viết truyện ngắn. Anh có mấy cái truyện ngắn được đăng ở Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai. Tôi biết một số họa sĩ có thể làm thơ và làm khá hay, chứ viết truyện thì ít. Nhưng Trần Quang Lực lại viết truyện, rất lớp lang bài bản.
Lạ một điều nữa là, đến giờ, trước nghệ thuật, anh vẫn ngơ ngác như thuở ban đầu. Người ta làm nghệ thuật để được ít nhất là 2 thứ, một là danh, hai là tiền. Anh thì họa sĩ chuyên nghiệp đấy, hội viên Trung ương từ xửa xưa đấy, nhưng mấy người biết. Còn tiền, nghe nói, anh vẫn được vợ bao cấp để vẽ. Cái tranh được Bảo tàng Quốc gia mua hồi nào, tiền lọt thỏm vào nỗi cơ cực thời ấy. Còn giờ, vẽ xong thì... tự ngắm!
Hoàng Hương Giang