Phóng sự - Ký sự

Trăn trở nhịp ting ning

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như một thói quen, mỗi khi rảnh rỗi, ông A Yươnh (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) lại tìm đến với cây đàn ting ning để cùng bầu bạn. Tiếng đàn ting ning mộc mạc đã gắn bó cùng ông bước qua bao chuyện buồn vui gần trọn kiếp người...

 Ông A Yươnh biểu diễn đàn Ting Ning trong Ngày hội Đại đoàn kết ở làng Bờ. Ảnh: L.H
Ông A Yươnh biểu diễn đàn Ting Ning trong Ngày hội Đại đoàn kết ở làng Bờ. Ảnh: L.H

Hôm nay làng Bờ ngày hội lớn: Ngày hội Đại đoàn kết. Khi ánh bình minh chưa kịp ló lên sau rặng núi, đất trời còn đẫm mùi sương đêm, ông A Yươnh đã trở dậy, lấy cây đàn ting ning đem kiểm tra kỹ lưỡng một lần nữa cho thật yên tâm trước khi khoác lên người chiếc áo thổ cẩm truyền thống của người Bahnar để đến nhà rông. Trước đó cả tháng, ông A Yươnh đã đồng ý lời đề nghị của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, rằng sẽ đánh một bản nhạc bằng cây đàn ting ning trước toàn thể quan khách và bà con làng Bờ…

Đã quá quen với những buổi biểu diễn trên sân khấu làng nhưng hôm nay, ông A Yươnh vẫn cảm thấy hồi hộp khó tả, có lẽ vì có nhiều khách quý. “Đó là một bản nhạc ca ngợi công ơn Bác Hồ, ca ngợi con người Tây Nguyên”-ông A Yươnh tâm sự. Tiếng đàn tính tang lúc dìu dặt, lúc rộn ràng… rót vào lòng người những cung điệu chất chứa đầy xúc cảm. Thanh âm phát ra từ cây đàn ting ning nhỏ bé đã đánh thức ký ức đẹp đẽ của bao người trở về với nhịp sống buôn làng xa xưa với những ngày hội vui.

 

Đàn ting ning (đàn đinh goong, đàn goong) được cấu tạo từ một ống tre dài, có đường kính 5-8 cm gắn với nửa quả bầu khô ở cuối thân đàn làm nhiệm vụ tăng độ vang cho âm thanh. Đàn có từ 10 đến 18 dây, là cây đàn dành riêng cho nam giới sử dụng. Người Bahnar trước đây thường dùng tiếng ting ning để bày tỏ tình yêu, góp vui trong đám cưới, các lễ hội, ngày vui hay đơn giản là tự chơi thỏa niềm yêu thích mỗi khi rảnh rỗi, có tâm sự... Ting ning có thể dùng độc tấu hoặc đệm hát. Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang là người có công lớn cải tiến để nâng ting ning lên một tầm cao mới, đưa ting ning trở thành loại nhạc cụ có thể tham gia hòa tấu cùng dàn nhạc hiện đại.

Ông A Yươnh làm quen với cây đàn ting ning từ năm 12 tuổi. Như một mối lương duyên kỳ lạ, A Yươnh đặc biệt có hứng thú với cây đàn này. Niềm yêu thích đã tạo động lực thôi thúc cậu bé A Yươnh khi ấy quên ăn, mải mê học đàn. “Tôi còn nhớ, cây đàn ấy được mình làm từ một quả bầu khô xin của mẹ. Ống tre tôi tìm chặt được trên rừng và sấy khô trên gác bếp hàng tháng trời rồi cặm cụi đục lỗ. Sợi dây đàn được rút từ bó dây phanh của một chiếc xe đạp xin của người anh trong làng. Phải rất khó, rất lâu mới có thể hoàn thiện một cây đàn ting ning riêng cho mình dù âm thanh vẫn chưa được trong vang”-ông A Yươnh kể.

Có cây đàn cùng bầu bạn, đi đâu A Yươnh cũng đem theo. Sau này, cũng nhờ tiếng đàn ting ning mà A Yươnh “lọt mắt xanh” cô gái xinh đẹp, ngoan nhất làng. Suốt những năm tháng đi bên nhau, chẳng thể đếm được đã bao dịp buồn vui bên bếp lửa hồng trong căn nhà sàn nhỏ ấm áp, A Yươnh đã đánh những bản ting ning dành lời tâm sự cho người bạn đời và những đứa con thơ. Nhịp ting ning đã gắn bó, vun đắp cho ngôi nhà nhỏ ấy vô vàn tiếng cười hạnh phúc…

Người ta gọi ting ning (đàn goong) là cây đàn tình. Bởi ngày xưa, chàng trai Bahnar thường mượn tiếng đàn ting ning để bày tỏ tình cảm dành cho người con gái mình thầm thương trộm nhớ. Ting ning từng gợi nguồn cảm hứng và đi vào nhiều sáng tác của các nhạc sĩ gắn bó, tâm huyết với âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Có thể kể đến, như nhạc sĩ Ngọc Tường với tác phẩm nhạc múa “Tiếng đàn đêm trăng” hay bài hát “Tiếng đàn đinh goong” với những ca từ say đắm: “Em hát lời chi/Đàn anh buông phím/Em nói lời chi/Tình anh lửa tím… Như tiếng đàn đinh goong réo rắt/Nói lời yêu nhau”. Nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Y Jang Tuyn cũng dành nhiều tình cảm cho ting ning-nhạc cụ truyền thống của người Bahnar dân tộc của anh. Y Jang  Tuyn từng sáng tác và thể hiện rất thành công nhạc phẩm “Ting ning” ca ngợi cây đàn Ting ning mộc mạc, quen thuộc nơi bản làng yên bình: “Đêm từng đêm mang câu hát/Mang nhịp chiêng, nhịp tim rộn ràng/Mang tình anh khao khát, khát khao như tiếng đàn ting ning anh/Đàn anh mang lời ca của gió/Đàn anh mang tình yêu của núi rừng/Đàn anh mang lời ca con suối/Mang tình em, tình em khát cháy…/Đàn ting ning mang tình em mãi mãi…”. Ca từ bài hát miêu tả trọn vẹn cuộc sống, ngọn lửa tình yêu khát khao mạnh mẽ và đẹp đẽ, chân thành của những chàng trai Tây Nguyên dành cho người con gái họ yêu thương. Cũng không thể không kể đến Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang-người đã góp công lớn trong việc nghiên cứu, cải tiến và đưa cây đàn ting ning lên một tầm cao mới, hòa nhập với dàn nhạc hiện đại để hiện thực hóa giấc mơ đưa ting ning vượt khỏi “lũy tre làng”…

Ông Đinh Plơnh-một nghệ nhân ở làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) từng tham gia biểu diễn đàn ting ning tại nhiều chương trình lớn của khu vực và cả nước không giấu nổi sự nuối tiếc khi chứng kiến những tiếng đàn ting ning dần mai một trong đời sống cộng đồng. “Làng Stơr bây giờ chỉ có người già biết chơi ting ning, bọn trẻ không thích học, chẳng thích chơi. Có vài đứa mày mò học thử được vài hôm lại bỏ lửng. Chúng bây giờ thích âm nhạc hiện đại, cũng chẳng đủ kiên trì để theo đuổi chinh phục và làm bạn với cây đàn ting ning. Chúng thương ai, thích ai chắc không dùng tiếng ting ning để bày tỏ nỗi lòng nữa”-ông Đinh Plơnh bộc bạch.   

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm