Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Trăng chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới nhận ra trăng chiều. Đó là hôm đầu tháng, mảnh trăng cong như chiếc sừng trâu làm bằng lá mít của tụi trẻ. Không hiểu sao cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn lên bầu trời, tôi cứ nghe văng vẳng đâu đây tiếng “lốc cốc” quen thuộc của ngàn năm ở xứ núi này. Bầu trời như thảm cỏ xanh bất tận, trăng rong chơi và sẽ no tròn lớn từng ngày.

Những tán cây bắt đầu thưa dần. Ngàn chiếc lá như những con thuyền đã tìm về cội như vừa cập bến bình yên. Ta vẫn nhận ra có những chiếc rách làm đôi, có chiếc bị dập nát nhưng dường như tất cả đều tươi nguyên nét cười mãn nguyện sau một vòng đời. Trời trong, gió mát, chỉ còn lại những trái ngọt trên chiếc đĩa sứ men hoa. Đất trời đang độ thu về.

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Sống ở đâu, người ta cũng thường nhớ đến những bến nước, bởi đó là nguồn sống tươi mát. Chúng ta cũng coi trọng ngọn lửa sưởi ấm trước giá lạnh, ngọn lửa làm no bụng và xua đuổi những gì xui xẻo. Còn với những ai muốn sống chậm, muốn được lắng lại giữa dòng đời sẽ vọng trăng-một vầng trăng đi theo suốt cuộc đời mình.

Ở xứ núi của tôi, Trung thu từ xưa đến nay thường không quá náo nhiệt với những đoàn rồng rắn trống ếch tưng bừng. Ở đây, phố cũng không rực rỡ đèn hoa. Trong mỗi mái nhà nằm rải rác bên núi, từng chiếc đèn ông sao được làm từ đôi tay chai sần, nan tre thô ráp nhưng luôn lấp lánh một thứ ánh sáng của hạnh phúc. Ở mỗi khoảng sân được quây bằng đá là một “giếng” trăng đầy ắp ánh sáng. Chiếc đèn lồng được treo trước hiên nhà như một tòa lâu đài giữa núi rừng âm u, tỏa thứ ánh sáng kỳ diệu. Và, giữa không gian quen thuộc đó lại nhớ tiếng mẹ hôm nào còn nhắc: “Nếu không bận bịu, Trung thu nhớ về con nhé”.

Ở phố, những ánh đèn đường, đèn xe, đèn màu và muôn thứ ánh sáng khác đã “nuốt” trọn cả một ngày của tôi. Dù ở trên cao ốc, thoát ra khỏi những lo toan như mớ dây điện lằng nhằng thì người ta cũng chỉ ngóng xuống những hồ nước, những công viên. View có nghĩa là được nhìn xa, trông rộng xem mình có được gì chứ chẳng mấy khi ngước nhìn lên mà ngắm trăng. Những buổi chiều vội vã “đắm” vào bóng tối càng khiến người ta quên đi trăng chiều-một vầng trăng lặng lẽ, bị khuất nhưng luôn gợi niềm tha thiết cố hương.

Tầm này hàng năm, mẹ tôi đã sắp mâm lễ cúng rằm tháng 8. Đó là ngày vọng duy nhất trong năm vầng trăng như trẻ lại, những tín ngưỡng thiêng liêng của nền văn minh nông nghiệp đan xen với sự hồn nhiên, tinh nghịch của con trẻ. Nếu ai đó từng nói trăng tháng 8 là trăng của tuổi thơ thì trăng chiều của thời khắc này tựa như trẻ mục đồng đang tha thẩn trên lối về. Cao hơn tất cả muôn vàn lo âu của những con đường dọc ngang là vầng trăng hồn nhiên ấy. Cứ thế, như được thắp lửa mà rực rỡ lên trong đêm mùa thu…

Khi “cơn gió” đô thị hóa tràn về thôn cùng xóm vắng, những nghi thức, thói quen xưa cũng nhạt dần. Bọn trẻ con đứng trên ban công hỏi sao lại có trăng khi mặt trời vừa lặn xuống. Một vật thể xa xôi bị ngăn cách bởi muôn vàn thứ ánh sáng hào nhoáng, một vầng trăng chỉ dành cho không gian tĩnh lặng cứ thế mãi xa. Và chiều nay, trong đêm rằm tháng 8, một người tha hương bấy lâu như tôi lại tha thẩn ngắm trăng chiều. Vầng trăng đầy ắp thứ ánh sáng của tuổi thơ, của ký ức đã nuôi ta lớn khôn…

 

 BÙI VIỆT PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm