Trăng Dâu xuất hiện khuya hôm qua và rạng sáng nay (3 - 4.6) trên bầu trời Việt Nam là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong tháng 6 này. Nhân đây, hãy cùng khám phá và lý giải những hiểu lầm phổ biến của một số người Việt Nam về mặt trăng.
Trăng Dâu xuất hiện tối 3 - 4.6 trên bầu trời Việt Nam là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong tháng 6 này. Ảnh: HUY HYUNH |
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), tối 3.6, rạng sáng 4.6 trăng tròn tháng 6 xuất hiện trên bầu trời. Theo đó, mặt trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện mặt trời khi nhìn từ trái đất và phần hướng về phía trái đất của mặt trăng sẽ được chiếu sáng toàn bộ.
Lần trăng tròn này được những bộ tộc bản địa châu Mỹ gọi là Trăng Dâu bởi vì nó báo hiệu khoảng thời gian thu hoạch hoa quả chín và cũng trùng với đỉnh điểm mùa thu hoạch dâu tây. Lần trăng này cũng được biết đến là Trăng Hoa hồng (Full Rose Moon) và Trăng Mật ong (Full Honey Moon).
Lần trăng tròn này được những bộ tộc bản địa châu Mỹ gọi là Trăng Dâu, Trăng Hoa hồng (Full Rose Moon) hoặc Trăng Mật ong (Full Honey Moon). Ảnh: HUY HYUNH |
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) đã chỉ ra một số lầm tưởng về mặt trăng không phải ai cũng biết.
1. Mặt trăng không có mặt trên trời vào ban ngày
Điều này là sai. Trong một phần khá lớn của chu kỳ trăng, bạn có thể thấy nó trực tiếp trên bầu trời nếu như nó không ở quá gần mặt trời để bị che khuất. Ngay cả vào ngày không trăng/trăng mới, nó cũng có ở đó, thậm chí ngày đó nó ở hoàn toàn trên bầu trời vào thời gian ban ngày, nhưng bạn không thấy được vì khi đó phần quay về phía trái đất của nó là phần hoàn toàn không được chiếu sáng.
2. Mặt sau của nó luôn tối
"Mặt tối của mặt trăng" (Dark side of the moon) là một cụm từ khá phổ biến trong tiếng Anh và bạn có thể thấy nó ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nó chỉ là một cách nói, không hơn.
Quan niệm mặt sau của mặt trăng luôn tối là không chính xác. Ảnh: HUY HYUNH |
Vì bị khóa triều (tidal locking) với trái đất, mặt trăng luôn hướng cùng một mặt về phía chúng ta. Chúng ta không bao giờ nhìn thấy mặt bên kia của nó khi đứng từ trái đất. Nhưng việc đó không có nghĩa là nó không được chiếu sáng. Mặt trăng vừa tự quay vừa di chuyển quanh trái đất nên nó cũng nhận được ánh sáng mặt trời một cách luân phiên.
Khi bạn thấy trăng không tròn (khuyết, bán nguyệt, lưỡi liềm, không trăng) thì tức là trong cái một nửa được chiếu sáng của mặt trăng chỉ có một phần (hoặc hoàn toàn không có phần nào) hướng về phía trái đất.
Phần sáng bị thiếu khi bạn nhìn vào những pha đó của mặt trăng chính là phần thuộc về một nửa bề mặt không bao giờ hướng về phía chúng ta. Do đó, một cách chính xác thì nó phải được gọi là "mặt xa (hoặc mặt sau) của mặt trăng" (far side of the moon).
3. Trăng luôn tròn nhất vào ngày rằm âm lịch
Các quốc gia sử dụng âm lịch như Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên rằng đêm 15 âm lịch hàng tháng là trăng tròn. Nhưng không hẳn như vậy. Chu kỳ tuần trăng không phải 29 hoặc 30 ngày mà là 29,53 ngày.
Nhưng người ta không thể quy định rằng tới hơn 12 giờ trưa một ngày nào đó là bắt đầu sang tháng mới, nên mới phải xen kẽ tháng đủ (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày). Vấn đề là điểm được chọn làm mốc không phải là điểm trăng tròn mà là điểm không trăng (new moon), mà trong âm lịch phương đông thường gọi là điểm "sóc".
Không phải lúc nào trăng cũng tròn nhất vào ngày rằm. Ảnh: HUY HYUNH |
Đó là thời điểm mà toàn bộ phần được chiếu sáng của mặt trăng không hướng về phía trái đất. Thời điểm này rơi vào ngày nào, ngày đó được chọn là ngày mùng 1 âm lịch (bất kể điểm đó là 1 giờ sáng hay 23 giờ tối hôm đó). Gần đúng nửa chu kỳ sau tính từ điểm đó, tức là khoảng 14,76 ngày, trăng đạt pha tròn hoàn toàn (full moon).
Bạn sẽ thấy rằng nếu cộng con số đó vào điểm sóc vừa nêu, thì nó sẽ là ngày 15 âm lịch nếu như điểm sóc đã rơi vào rạng sáng, nhưng nếu tới trưa của ngày mùng 1 tháng đó mới là điểm sóc thì thời điểm trăng tròn chắc chắn rơi vào ngày 16. Bạn thậm chí thấy rằng độ lệch này khiến cho xác suất mà điểm trăng tròn rơi vào 16 cao hơn là rơi vào 15 là đằng khác.