Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng công bố mức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 31-12-2024 là 15,08%. Đây là sự phù hợp giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Câu chuyện tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã khép lại sau nhiều dự báo với các kịch bản khác nhau, khi Tổng cục Thống kê mới đây công bố đạt mức 7,09%. Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng công bố mức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 31-12-2024 là 15,08%. Đây là sự phù hợp giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Năm 2025, chắc chắn kịch bản sẽ khác, khi mà mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Quốc hội đặt ra là 7%, trong khi Chính phủ kỳ vọng sẽ đạt 8% hoặc hơn thế nữa. Ở đây có ba vấn đề cần phải lưu ý.
Thứ nhất, con số tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ kỳ vọng và con số chỉ tiêu Quốc hội giao sẽ cần phải xác định đâu là mục tiêu chính. Bởi để kịch bản tăng trưởng kinh tế là 7% vào năm 2025 và cùng với đó dự kiến tổng mức tín dụng tăng 16% như NHNN đưa ra thì vốn tín dụng bơm ra nền kinh tế trong năm nay sẽ cao hơn mức năm 2024. Còn nếu với kịch bản tăng trưởng kinh tế là 8% như Chính phủ kỳ vọng thì với tổng mức tín dụng dự kiến tăng 16% như NHNN đưa ra thì sẽ không đủ.
Thứ hai, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tăng trưởng kinh tế - đặc biệt là của khu vực ngoài Nhà nước - vẫn phải dựa vào nguồn vốn tín dụng là chủ yếu, trong khi động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chưa rõ ràng, điều này cũng hàm ý rằng, việc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng vốn tín dụng là điều rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Thứ ba, vấn đề cần quan tâm nhất trong năm nay là sử dụng hiệu quả vốn vay ở mức độ nào. Hay nói đúng hơn, doanh nghiệp có thể tăng được hiệu quả từ nguồn vốn vay tín dụng hay không cũng là vấn đề rất quan trọng. Thực tế, hiện nay nhiều ngân hàng rất mong muốn cho vay vốn, song hiệu quả vốn tín dụng không cao nên đã làm hạn chế khả năng trả nợ, khả năng chịu đựng lãi suất và khiến ngân hàng cũng e ngại. Bởi trong những năm qua, kể từ trong và sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng chính sách hoãn, giãn nợ. Năm 2025, liệu NHNN có tiếp tục hoãn, giãn nợ nữa hay không, đây là điều mà các doanh nghiệp đang quan tâm lúc này. Bởi tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ và NHNN vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào đề cập đến việc có kéo dài hoãn, giãn nợ hay không.
Như vậy, sẽ dẫn đến có hai trường hợp xảy ra; một là, nếu tiếp tục chính sách kéo dài hoãn, giãn nợ, thì tình hình hoạt động doanh nghiệp và tăng trưởng tín dụng dường như sẽ vẫn như cũ. Hai là, nếu Chính phủ và NHNN chấm dứt chính sách hoãn, giãn nợ như đã nói trên thì có thể từ năm nay, áp lực trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp còn lớn hơn rất nhiều so với áp lực nhu cầu vay nợ. Do đó, nhu cầu vốn tín dụng, hay khả năng hấp thụ vốn từ ngân hàng bơm ra sẽ bị hạn chế.
Từ những vấn đề trên, kịch bản tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng như thế nào trong năm 2025, tỷ lệ nào là phù hợp, là tương ứng với nhau, sẽ rất cần phải cụ thể. Bởi giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng cần phải có sự “đồng điệu”, tránh sự “lệch pha”.
Điều này gợi nhớ đến bối cảnh kinh tế năm 2006-2007, khi chúng ta cũng có những tham vọng về tăng trưởng kinh tế, thậm chí lên mức hai con số. Thế nhưng, chúng ta đã không thể tìm ra được cơ sở, hay đúng hơn là động lực mới có tính đột phá khả quan để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên hai con số, cuối cùng, khi ấy đã dựa vào việc bơm vốn tín dụng. Một bằng chứng rõ nhất là khi ấy ngân hàng đã bơm vốn tín dụng vào nền kinh tế lên mức cao kỷ lục, thậm chí đạt tới 53,4% vào năm 2007. Hệ quả nhãn tiền là những năm sau đó, năm 2008 và 2010-2011, thay vì kinh tế tăng trưởng hai con số thì chúng ta đã phải đối mặt với lạm phát hai con số.
Năm 2025 và những năm tiếp theo nữa, dù vẫn hướng đến tăng trưởng kinh tế là 8%-9% hoặc có thể cao hơn, song nhất quyết không thể dựa vào công cụ là bơm tín dụng một cách quá mức như giai đoạn 2006-2007. Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi cấu trúc nội tại của nền kinh tế vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản để có thể hấp thụ. Từ những bài học trong quá khứ cho thấy, những thay đổi về mục tiêu và cách thức điều hành các chính sách vĩ mô cần phải căn cơ, bài bản, kỹ trị hơn, tránh duy ý chí.
Theo TS VŨ ĐÌNH ÁNH (Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính/SGGPO)