Thời sự - Bình luận

Tránh tăng giá 'đồng bộ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là mong muốn của người dân, bởi hệ quả của việc tăng giá "đồng bộ" không chỉ là điện tăng, xăng tăng, học phí tăng... mà còn kéo cả mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường tăng theo.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bởi điện nước, xăng dầu là chi phí đầu vào liên quan trực tiếp đến giá thành nên những mặt hàng này tăng giá sẽ tác động thẳng vào sản xuất, vận chuyển và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Thế nên cứ tính điện tăng chừng này chỉ kéo giá chừng này; xăng lên mấy trăm thì cước nhích mấy phần... là chưa chính xác mà phải tính đến cả tác động lan tỏa trong tổng thể đầu vào - đầu ra từ sản xuất, đến phân phối, lưu thông thì mới đầy đủ.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang "căng như dây đàn" vì chi phí đầu vào tăng mạnh. Đơn cử như điện, tăng giá gần như là bất khả kháng khi ngành này đang gánh lỗ lớn vì giá bán điện dưới giá thành. Hay xăng dầu vẫn phụ thuộc vào thế giới, thế giới tăng thì trong nước tăng và ngược lại. Rồi học phí, viện phí... cái gì cũng khung cũ chi phí mới nên áp lực tăng rất lớn, co kéo thêm thì càng dễ đứt. Nên không khó để nhận ra sau nhiều tháng ngày tích nén, không ít hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang "nhấp nhổm" chờ cơ hội điều chỉnh giá. Và nếu đồng loạt tăng thì tác động càng lớn hơn. Trong khi ở chiều ngược lại, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, tồn kho cao; người tiêu dùng vẫn thắt lưng buộc bụng và tường thành sức mua chưa thể công phá. Đặc biệt, lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại. Bối cảnh này dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan, tăng cũng khó mà không tăng còn khó hơn.

Vì thế trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hết sức thiết thực rằng việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu phải nhịp nhàng, hài hòa, tránh tăng giá cùng lúc. Đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức điều chỉnh học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh khi tình hình tốt, có dư địa điều chỉnh.

Nhìn lại CPI tháng 5 tăng do tác động của giá thịt heo, giá điện sẽ thấy chỉ đạo nói trên là hết sức cần thiết và phải thực hiện nghiêm túc nếu muốn kiểm soát lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra là 4 - 4,5%. Chúng ta đều thấy từ đầu năm tới nay rất nhiều mặt hàng tăng giá mạnh. Từ gạo, rau quả, thực phẩm cho tới vé máy bay, vàng... đã và vẫn đang đi lên trong khi thu nhập của người lao động thì đứng yên hoặc đi xuống. Lúc này, tâm lý chung là ai cũng mong chờ đến kỳ tăng lương cơ bản vào đầu tháng 7 tới để cải thiện giỏ hàng đi chợ, cải thiện bữa cơm hằng ngày. Nếu hàng hóa lại tăng giá, nếu không kiểm soát được tình trạng lương tăng nhưng giá cũng tăng vô tội vạ thì không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, sức cầu trong nền kinh tế mà còn làm giảm hiệu quả chính sách lương mới của Chính phủ. Đó là lý do Thủ tướng yêu cầu tránh tăng giá cùng lúc mà phải có lộ trình phù hợp, thời điểm phù hợp.

Một giải pháp quan trọng nữa đó chính là hiệu quả của bộ máy hành chính công trong việc đẩy nhanh các thủ tục, pháp lý để giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tối ưu hiệu quả, từ đó tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phục hồi kinh tế. Các chương trình hỗ trợ, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp phải tăng tốc thực thi... Tất cả phải đồng bộ thực thi thì mới phát huy hết sức mạnh và cho kết quả cao nhất.

Nói đơn giản thì đồng bộ giải pháp thay vì đồng bộ tăng giá, đó là việc phải làm lúc này.

Có thể bạn quan tâm