Thời sự - Bình luận

Tránh ủy quyền 2 cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo chương trình, sáng nay 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến họp xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lâm nghiệp và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án này, quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, đã được Quốc hội quyết định đầu tư với chiều dài 729km, chia thành 12 dự án thành phần thuộc địa phận 12 tỉnh thành (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). 
Cụ thể, Chính phủ kiến nghị UBTVQH quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.054,63ha đất rừng; 1.863,94ha đất lâm nghiệp; 1.721,96ha đất trồng lúa. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã hoàn thành, ngay sau khi UBTVQH đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lâm nghiệp và đất trồng lúa, Chính phủ có thể phê duyệt dự án và triển khai ngay, phấn đấu trước cuối năm 2022. Như vậy, so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1-2022), diện tích đất trồng lúa và đất rừng cần chuyển đổi mục đích đều tăng. Theo Bộ GTVT, sự chênh lệch này chủ yếu là do phương pháp xác định trong từng bước (nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu khả thi) khác nhau, song việc này ảnh hưởng rất thấp so với tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án và tác động không đáng kể tới tổng mức đầu tư của dự án.
Mức tăng không lớn, nhưng không phải không có những băn khoăn khi pháp luật về đất đai hiện hành không quy định về trách nhiệm của Chính phủ phải trình UBTVQH quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, đất rừng phòng hộ đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất đối với dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Vấn đề là ở chỗ, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15, thì diện tích các loại đất cần chuyển đổi chưa sát với thực tế, nên UBTVQH mới phải xem xét, quyết định - theo ủy quyền của Quốc hội. 
Một nội dung khác cũng cần có lý giải thuyết phục là kiến nghị của Chính phủ. Theo đó khi dự án có sự thay đổi số liệu về diện tích so với số liệu tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, UBND cấp tỉnh có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định để triển khai, thực hiện. Tương tự, Chính phủ kiến nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, trường hợp phát sinh diện tích chiếm dụng rừng (do xây dựng khu tái định cư, khai thác mỏ vật liệu, nhu cầu đổ chất thải rắn xây dựng... để thực hiện dự án) mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng, thì cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuy nhiên, không phải không có cơ sở khi một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án) và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng khi Quốc hội đã ủy quyền cho UBTVQH, thì UBTVQH không thể tiếp tục ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh... Ở giai đoạn đã hoàn thành nghiên cứu khả thi thì số liệu phải rất chính xác, do đó giải pháp hợp lý hơn là UBTVQH chấp nhận một mức “dung sai” nhất định trong nghị quyết của mình. Điều này giúp tránh được việc “ủy quyền của ủy quyền” không đúng với quy định pháp luật, nhưng cũng không máy móc, cứng nhắc yêu cầu làm lại toàn bộ quy trình thẩm duyệt phức tạp và tốn kém thời gian đối với những thay đổi nhỏ. 
Theo ANH THƯ (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm