Trao "cần câu" cho những hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được triển khai tại 25 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên thuộc 5 huyện: Kông Chro, Kbang, Krông Pa, Ia Pa và Mang Yang trong khoảng thời gian 6 năm (2014-2019), Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã và đang góp phần tạo thêm một nguồn lực mới, hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, là cơ hội để những hộ dân ở vùng sâu thoát nghèo bền vững.

Với 4 hợp phần chính (phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng, phát triển sinh kế bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông và hợp phần quản lý dự án), Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai được thực hiện không nằm ngoài mục tiêu nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế tại các xã nghèo trong vùng dự án.
 

Đoàn công tác của Ban Điều phối Trung ương và của tỉnh làm việc với Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa

“Đòn bẩy” thoát nghèo ở vùng sâu

Trong 6 năm triển khai thực hiện tại 25 xã nghèo của tỉnh, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai sẽ từng bước hoàn thành những mục tiêu cụ thể đã được xác định ngay từ khi lập kế hoạch. Đó là cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng để hỗ trợ sản xuất, cải thiện điều kiện sinh hoạt và tạo việc làm trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đó là tăng tự chủ về sinh kế thông qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sinh kế, kết nối thị trường để cải thiện thu nhập bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện, kể cả cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng. Thông qua việc thực hiện dự án, năng lực của cán bộ các cấp cũng như nhận thức của người dân được nâng cao, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực Tây Nguyên, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai là cơ hội giúp người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Vì vậy, dự án không chỉ quan tâm đến vấn đề cơ sở hạ tầng nông thôn mà còn rất quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của dự án. Với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật, trong kế hoạch của 18 tháng bước đầu thực hiện dự án tại tỉnh ta, có 5 mô hình sinh kế được lựa chọn để triển khai tại các xã, gồm: bắp lai, lúa lai, cải tạo vườn hộ, trồng mía, chăn nuôi; qua đó nhằm tăng hiệu quả của các mô hình, góp phần nâng cao thu nhập cho người nghèo, đặc biệt là số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng dự án.

Hiện nay, số nhóm cải thiện sinh kế (LEG) đã được thành lập và đang triển khai thực hiện là 69 trên tổng số 80 LEG, cụ thể: huyện Krông Pa đang thực hiện 9 nhóm LEG (trong đó: 4 nhóm LEG cải tạo vườn hộ, 5 nhóm LEG chăn nuôi bò). Huyện Ia Pa đang thực hiện 10 nhóm LEG (trong đó: 3 nhóm LEG chăn nuôi bò, 2 nhóm LEG cải tạo vườn hộ, 5 nhóm sản xuất lúa). Huyện Mang Yang đang thực hiện 18 nhóm LEG (trong đó: 6 nhóm LEG chăn nuôi bò, 8 nhóm LEG cải tạo vườn hộ, 2 nhóm LEG sản xuất lúa lai, 2 nhóm LEG sản xuất bắp lai). Huyện Kông Chro đang thực hiện 14 nhóm LEG (trong đó: 4 nhóm LEG nuôi bò, 5 nhóm LEG sản xuất bắp lai, 1 nhóm LEG trồng mía và 4 nhóm LEG cải tạo vườn hộ). Huyện Kbang đang thực hiện 18 nhóm LEG (trong đó 13 nhóm LEG sản xuất lúa lai, 5 nhóm LEG cải tạo vườn hộ). Các tiểu dự án sinh kế của 69 nhóm LEG đã được UBND xã phê duyệt và đang tiến hành triển khai các bước tiếp theo. Ban Quản lý dự án huyện Kông Chro đã tập huấn nâng cao năng lực cho 12/14 nhóm LEG; Ban Quản lý dự án huyện Mang Yang tập huấn nâng cao năng lực được 4/18 nhóm LEG; Ban Quản lý dự án huyện Krông Pa hoàn thành xong tập huấn nâng cao năng lực 9/9 nhóm LEG; Ban Quản lý dự án huyện Ia Pa đã tập huấn nâng cao năng lực cho 3/10 nhóm LEG và Ban Quản lý dự án huyện Kbang đã tập huấn nâng cao năng lực cho 2/18 nhóm LEG. Riêng đối với tiểu hợp phần phát triển liên kết thị trường sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2017.

 

Truyền thông về dự án giảm nghèo đã được triển khai tại 25 xã của 5 huyện trong dự án. Ảnh: Lê Hòa

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện nay, tại các huyện được thụ hưởng dự án đã cơ bản tuyển đủ tư vấn cho Ban Quản lý huyện. Từ đầu năm, công tác ổn định bộ máy tổ chức, trang-thiết bị và cơ sở vật chất đã được đầu tư từ tỉnh, huyện đến xã; từ quý II-2015 đã bắt đầu triển khai các tiểu dự án trên cơ sở triển khai kế hoạch 18 tháng bước đầu của dự án đã được phê duyệt.

Cùng với hợp phần phát triển sinh kế bền vững, các hợp phần còn lại của dự án đang được Ban Quản lý dự án gấp rút triển khai thực hiện. Đối với hợp phần 1 (phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng), tổng số công trình được thực hiện năm 2015 là 31 công trình, trong đó có 16 công trình đấu thầu cộng đồng. Các công trình đang thực hiện bước thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, chủ yếu là các phần việc liên quan đến việc làm đường giao thông nông thôn, làm kênh mương, thủy lợi, đập đầu nguồn… Trong xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, có 5 công trình được thực hiện trong năm 2015, hiện đang ở công đoạn thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Được biết, điều khoản tham chiếu của gói thầu giám sát cơ sở hạ tầng tỉnh Gia Lai đã được Ban Điều phối Trung ương, Ngân hàng Thế giới xem xét và cho ý kiến không phản đối, hiện đang tiến hành đăng báo mời thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này.  

Trong công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án thì hầu hết các cán bộ thuộc các bộ phận của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, Ban Quản lý dự án các huyện, các Ban Phát triển xã, các hướng dẫn viên cộng đồng đều đã được tham gia các lớp tập huấn do Ban Điều phối Trung ương (CPO) tổ chức, như: tập huấn sinh kế và phân tích chuỗi giá trị, về dinh dưỡng, về kỹ năng làm việc cộng đồng, phân tích thống kê, vận hành và bảo trì, giám sát và đánh giá, lập kế hoạch có sự tham gia ở xã… Bên cạnh đó là được tham gia các hội thảo về mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp, hội thảo về nước sạch và vệ sinh môi trường, hội thảo triển khai xây dựng kế hoạch năm 2016 và được đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hòa Bình, tham quan thực tế mô hình trồng gấc tại Long An và Tiền Giang. Các cán bộ của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai còn tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á và Bộ Tài chính tổ chức như: hội thảo về quản lý tài chính; hội thảo phổ biến nội dung các mẫu hồ sơ mời thầu, mua sắm hàng hóa, xây lắp; tập huấn về quản lý tài chính các dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Công tác truyền thông cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Việc tiếp nhận các tài liệu truyền thông dự án từ CPO, chuyển phát cho Ban Quản lý dự án cấp huyện, Ban Phát triển xã, hướng dẫn viên cộng đồng và hướng dẫn cách sử dụng các tài liệu được thực hiện đầy đủ. Công tác thông tin và truyền thông về xây dựng kế hoạch năm 2016 được thực hiện tốt nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh, huyện, xã và sự tham gia tích cực của người dân. Trong tháng 9-2015, các gói thầu truyền thông cũng được gấp rút triển khai thực hiện, gói xây dựng tờ rơi giới thiệu về dự án đã trao hợp đồng cho nhà thầu, đang tiến hành in ấn và chuyển phát cho Ban Quản lý dự án 5 huyện, 25 Ban Phát triển xã; đối với 2 gói thầu, gồm: xây dựng phóng sự truyền hình và phát thanh tuyên truyền về dự án và xây dựng phụ trang chuyên đề trên báo Gia Lai đã trao hợp đồng cho nhà thầu và đang triển khai thực hiện. Đối với hợp phần 4-Hợp phần quản lý dự án, đang tập trung cho công tác lập kế hoạch năm 2016 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm