Thời sự - Bình luận

Trầy trật nhận tiền hỗ trợ thuê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hạn nhận hồ sơ vào ngày 15.8 vừa qua.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, đến chiều 15.8 cả nước đã giải ngân 876 tỉ đồng (đạt 13,5% so với số tiền dự kiến ban đầu là 6.600 tỉ đồng) và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động (NLĐ) tại 20.406 doanh nghiệp (DN). Riêng tại TP.HCM, tính đến ngày 18.8 các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ hơn 459.000 lượt NLĐ đang làm việc ở hơn 12.600 DN, với tổng số tiền hơn 243 tỉ đồng (chiếm 13,7% so với dự toán 1.777 tỉ đồng).

 

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn của chính quyền và DN. Ảnh: LÊ TRỌNG
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn của chính quyền và DN. Ảnh: LÊ TRỌNG


Theo Quyết định 08/2022, NLĐ sẽ được hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/người/tháng (tùy diện), tối đa 3 tháng. Tuy số tiền không lớn, nhưng chính sách này được đánh giá cao bởi tính nhân văn và kịp thời, nhất là khi cả nước đang trên đà phục hồi kinh tế - xã hội. Đáng tiếc, tiền hỗ trợ đến được tay NLĐ thật lắm gian nan.

Điều đó bắt đầu từ việc một số địa phương “đẻ” ra những thủ tục không cần thiết, không được quy định như: yêu cầu có hợp đồng thuê nhà, đăng ký tạm vắng tạm trú, xác minh giấy phép kinh doanh. Một số nơi còn có tình trạng “đùn đẩy” hồ sơ đối với DN có nhiều chi nhánh.

Thêm nữa, mới đây TP.HCM cũng ghi nhận việc DN không đảm bảo tiến độ chi tiền cho NLĐ. Cụ thể, theo quy định, khi được UBND cấp huyện chuyển tiền về thì DN phải chi cho NLĐ trong 2 ngày và thanh quyết toán trong 5 ngày, nhưng đa số đều không đạt đúng tiến độ. Một số DN than lần lữa chi trả vì phí dịch vụ ngân hàng cao...

Đến thời điểm này, những vướng mắc trong quá trình triển khai tạm thời khép lại. Nhưng câu chuyện đặt ra vẫn là làm sao để NLĐ nhận được số tiền nhanh chóng, mà theo chỉ đạo của Thủ tướng là hoàn tất trong tháng 8.2022. Ở đây, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng, mạnh dạn của chính quyền địa phương và DN để giúp NLĐ yên tâm làm việc, ổn định tình hình sản xuất. Đừng để lặp lại một chính sách an sinh “chưa tròn” như trước và cũng đừng để NLĐ nghĩ rằng muốn nhận hỗ trợ phải... “lên ti vi”.

 

Theo Lê Trọng (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm