Phóng sự - Ký sự

Trên đất trấn ải Tén Tằn-Kỳ 1: Tiền đồn biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ai nhớ chính xác vùng đất ở nơi xa xôi Thanh Hóa có tên gọi Tén Tằn từ bao giờ. Nhiều người cho rằng, chỉ khi đứng trên mảnh đất Tén Tằn này mới có thể hiểu được tại sao cha ông khi xưa lại xây dựng nơi này thành một đô thị ven sông phồn vinh và trù phú đến thế.
Một góc Tén Tằn, nơi sông Mã trở lại đất Việt.
Một góc Tén Tằn, nơi sông Mã trở lại đất Việt.
Theo lý giải của những người Thái địa phương, Tén là chỉ phân giới nơi cao nhất của đỉnh núi, sống núi, giữa hai mái nhà…, còn Tằn/Tăn là nơi giao lưu, điểm liên lạc, thỉnh nhận, trình báo tin… Có thể hiểu một cách nôm na rằng, Tén Tằn là nơi cao nhất, xa nhất để giao lưu, thông tin liên lạc giữa hai nước Lào-Việt khi xưa. Người đưa tin hoặc sứ giả của hai nước sẽ dừng lại và trao thông điệp cho nước bạn tại mảnh đất biên ải này. Theo cách nói hiện đại, đó là nơi tiền đồn biên giới.
Khai mở miền tây xứ Thanh
Trong quan niệm của người địa phương, miền đất ấy gắn bó mật thiết với thân thế và sự nghiệp của Tư mã Hai Đào, vị tướng quân thời Lê sơ cách đây chừng 600 năm. Theo sử sách của người Thái, Tư mã Hai Đào là người con thứ hai trong gia đình một người Thái ở Mường Tao (tiếng Thái) hoặc Mường Táo (tiếng Mường) hoặc làng Đào (tiếng Kinh), một mường nhỏ thuộc Mường Khô, nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Vì vậy, mọi người quen gọi ông là quan Hai Đào mà quên dần đi tên húy.
Khi Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh, ông tham gia trong nghĩa quân của Thượng tướng quân Khằm Ban trấn giữ miền biên ải phía tây nước Việt, lập nhiều chiến công. Khi Thượng tướng Khằm Ban được giao trọng trách giữ miền đất phên dậu từ Lai Châu về đến Nghệ An, ông cũng được phong chức Tư mã để giúp việc. Tư mã Hai Đào trấn thủ tại miền tây Thanh Hóa nhưng cai quản cả miền đất Sơn La, Hòa Bình hiện nay. Đồn biên giới ở đất Tén Tằn, Mường Lát do quan Tư mã lập ra, nhưng ông đóng quân chính ở đất Mường Xia (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn ngày nay), nơi giao lưu hai cửa ải phía tây hiểm yếu, dấu tích còn ngôi đền thờ lớn mà nhân dân hiện vẫn hương khói.
Ở đất Tén Tằn, đền thờ quan Tư mã nằm ngay bên hữu ngạn dòng sông, cách không xa biên giới Lào-Việt. Trước đây, đền nằm ngay sát khu vực biên giới, dưới gốc cây lớn bên ngã ba sông Mã giao nhau với suối Sim từ Lào chảy sang. Nhưng sau này bị cháy, rồi đổ nát hoang phế, đền được dựng lại ở vị trí hiện tại, nhìn ra cánh đồng Tén Tằn rộng bảy ha trù phú nhất vùng. Chính ở cánh đồng bậc thang này có loài lươn đặc biệt, ăn rất thơm ngon, nhiều đến nỗi trước đây người ta có thể bắt cả chục kg chỉ trong một đêm đặt ống đó.
Chuyện quan Tư mã Hai Đào in đậm trong ký ức người dân địa phương với nhiều câu chuyện nhuốm màu tâm linh, tín ngưỡng. Không chỉ ở nơi biên ải mà rất nhiều vùng đất miền tây rộng lớn của xứ Thanh đều có bóng dáng của ông. Điều đó thể hiện sự biết ơn của người dân đối với những người đã có công dẹp giặc dữ, khai khẩn mở đất lập bản, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
 
Bản Đoàn Kết của người Khơ Mú ở Tén Tằn.
Bản Đoàn Kết của người Khơ Mú ở Tén Tằn.
Đến dấu chân Tây Tiến
Vào một đêm lạnh mưa to gió lớn, người dân Tén Tằn bỗng bị dựng dậy bởi những âm thanh chấn động: “Cồng! Kinh! Cồng! Kiiiinh…”. Người lớn, trẻ nhỏ chẳng ai bảo ai, cùng bật dậy khỏi giường xô cửa chạy tán loạn ra ngoài bìa rừng, miệng không ngớt gào khóc: “Trời sập rồi! Trời sập rồi…”. Âm thanh chát chúa ấy phát ra từ phía sông Mã, cứ ầm ĩ rất lâu mới nhỏ dần và im lặng.
Hôm sau, hỏi thăm ở các mường khác dọc bờ sông Mã, bà con cũng nghe thấy, nhưng không ai biết đó là tiếng động gì. Mãi sau rồi người ta mới biết, đó là tiếng của một con phà sắt của tỉnh Sơn La bị mưa lũ cuốn trôi, cứ theo sông Mã trôi từ thượng nguồn sang đất Lào rồi trở về Việt Nam qua cửa sông ở đất Tén Tằn. Suốt quá trình trôi dạt, nó bị dòng nước hung dữ quăng quật vào các vách đá và đá ngầm đến biến dạng thành khối sắt nổi và phát ra những âm thanh khủng khiếp ấy. Trôi suốt mấy trăm km, đến tận đất Cửa Hà phía hạ lưu sông Mã, nó mới mắc kẹt lại và người Sơn La đến nhận, đưa về bằng đường bộ. Đó là một trong nhiều câu chuyện kỳ lạ mà chỉ ở nơi dòng sông trở lại Tén Tằn mới có. 
Ngay giữa khu vực dân cư đông đúc nhất của Tén Tằn từng là nơi ở của ông Lương Văn Pém, sinh năm 1930, người du kích Tây Tiến khi xưa, từng được dự Hội nghị An ninh toàn quốc tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Binh đoàn Tây Tiến thường hoạt động trên vùng đất phía tây Tổ quốc, trong đó có địa bàn Mường Lát, để mở ra con đường sang nước bạn Lào, phục vụ công cuộc kháng chiến. Ông Lương Văn Pém được các chiến sĩ của Binh đoàn Tây Tiến giác ngộ cách mạng từ rất sớm, tham gia công tác từ khi mới 17 tuổi, giúp việc giao liên, dẫn đường, vận chuyển lương thực, khí giới. Sau này, ông tham gia chiến đấu với quân Pháp, tiễu phỉ trừ gian, lập rất nhiều công trạng, được ví như cây đại thụ của người Thái nơi đầu nguồn sông Mã miền Tây Thanh Hóa. Ông từng giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa (gồm cả huyện Quan Sơn và Mường Lát hiện nay), các con cháu của ông cũng nhiều người đã và đang tham gia nắm giữ các trọng trách trong công tác Đảng và chính quyền tại địa phương.
Trận đánh mà ông Lương Văn Pém nhớ nhất, chính là trận đánh đồn Mường Cồng, ngay trên đất Tén Tằn. Chiềng Cồng là mảnh đất từng là nơi tranh chấp của các tập đoàn quân phiệt phong kiến, khi truyền thuyết kể rằng đất này có chiếc cồng thiêng do giao long ban tặng, có thể giúp các thủ lĩnh bách chiến bách thắng trong các cuộc chiến tranh. Quan Tư mã Hai Đào có thể dựng nên sự nghiệp bền vững ở vùng đất này chính là nhờ có được chiếc cồng ấy. Các chiến sĩ của Đoàn quân Tây Tiến đã tổ chức tiến công vào đồn địch trong đêm, tiêu diệt nhiều giặc Pháp, thu được nhiều khí giới. Chiến thắng đó khiến giặc Pháp hoảng sợ rút chạy, mở toang tuyến đường từ phía xuôi thông sang đất Lào theo đường sông Mã. Đồn Chiềng Cồng, cũng như nhiều đồn bốt của giặc Pháp lập trên đất Mường Lát khác, sau này đều được người dân tận dụng nền móng làm các trường học cho trẻ em, xóa nhòa dấu vết của chiến tranh đau thương. Người dân sẽ chỉ nhớ về những kỷ niệm đẹp và câu chuyện tình trên đồi Pế Nàng và những huyền sử diễm tình khác trên đất này. 
Tén Tằn được hưởng một vùng đất đai rộng lớn, núi cao, sông sâu, nhiều dòng suối tụ họp xen lẫn giữa các cánh đồng rộng rãi, có thể giao thương với nước bạn Lào. Ngay chính bản thân tên gọi của huyện Mường Lát cũng mang ý nghĩa đó. Lát có nghĩa là “chợ ngựa”, ghi dấu việc người Lào thường đem ngựa và rất nhiều lâm thổ sản địa phương sang trao đổi với người Việt, để đem về muối và các nhu yếu phẩm khác. Hiện nay, người Lào ở phía trên sông vẫn giữ thói quen mua bán hàng hóa, chữa bệnh bên đất Việt thông qua cửa khẩu Tén Tằn. Không ít gia đình có chồng Lào vợ Việt hoặc ngược lại, do sự giao lưu kinh tế, văn hóa khá thân thiện và hữu hảo của nhân dân hai nước. Tén Tằn nay đã sáp nhập về thị trấn Mường Lát, rất nhiều cơ hội để xây dựng phát triển trở thành đô thị cuối cùng của xứ Thanh bên dòng sông Mã.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: LÊ QUÂN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm