Cuộc khai thác du lịch Bạch Mã trở nên gay go và chậm trễ do đòi hỏi phải giải bài toán khó "bảo tồn và phát triển một cách hài hòa".
Đất trời Bạch Mã đã là không gian tâm linh - Ảnh: M.TỰ |
Bạch Mã là nguồn tài nguyên quý giá, thế mạnh để phát triển du lịch cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng Bạch Mã lại là vườn quốc gia, một khu rừng đặc dụng đang bảo tồn những giá trị bậc nhất về đa dạng sinh học.
Bạch Mã còn là vùng sinh thái điển hình cần bảo vệ cho cộng đồng thế giới. Vì vậy, cuộc khai thác du lịch Bạch Mã trở nên gay go và chậm trễ do đòi hỏi phải giải bài toán khó "bảo tồn và phát triển một cách hài hòa".
“Là người đã nhiều lần leo núi Bạch Mã hùng vĩ, tôi rất mong dù có phát triển mô hình du lịch nào ở đây thì vẫn phải bảo đảm được sự vẹn nguyên hoang sơ thiên nhiên cho Bạch Mã. Anh Nguyễn Tiến Toàn (khách du lịch leo núi từ TP.HCM) |
Sinh thái - nghỉ dưỡng - tâm linh
Những lời nhắc nhở ý nghĩa trong rừng Bạch Mã - Ảnh: M.TỰ |
Bốn năm trước (2016), chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định "đánh thức" Bạch Mã bằng ý tưởng xây dựng một khu du lịch đẳng cấp cao trên đỉnh núi. Các đơn vị tư vấn đến từ Mỹ được mời xây dựng quy hoạch này. Sau nhiều lần báo cáo và hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý đồng thời xin ý kiến của các bộ ngành trung ương, đến nay đã qua bốn năm, bản quy hoạch khu du lịch sinh thái Bạch Mã vẫn chưa hoàn tất.
Theo quy hoạch này, sinh thái - nghỉ dưỡng - tâm linh là ba loại hình du lịch của khu du lịch Bạch Mã với tổng diện tích gần 400ha, chia làm hai khu chính. Khu A nằm ở chân núi, là nơi tiếp đón du khách, các dịch vụ và nhà ga cáp treo (100ha). Khu B chiếm toàn bộ khu vực đỉnh núi, rộng khoảng 300ha.
Tại đây sẽ xây dựng các khu nhà để khách lưu trú nghỉ dưỡng trong rừng theo kiểu kiến trúc bản địa; các loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng núi, suối thác; và một khu tâm linh dành cho một ngôi chùa lớn cùng lễ hội hành hương.
Du khách sẽ được đưa lên đỉnh núi bằng một tuyến cáp treo với chiều dài hơn 4km. Khu du lịch này sẽ đón khoảng 500.000 du khách trong giai đoạn 2020 - 2030 và 1 triệu khách/năm vào năm 2030.
Du lịch đại trà là hạ thấp giá trị Bạch Mã - Ảnh: LÊ MINH |
Bảo tồn thiên nhiên vẫn là nhiệm vụ chính!
Tháng 10-2018, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cẩn trọng mời chuyên gia của đủ các lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, du lịch... để góp ý cho quy hoạch này. Tại hội thảo, giới hoạt động du lịch mong mỏi khu du lịch này sớm ra đời để có một sản phẩm đẳng cấp cao cho du lịch Huế. Giới quy hoạch, kiến trúc sôi nổi góp ý về kiến trúc công trình, mật độ xây dựng, cáp treo.
Giới bảo tồn thiên nhiên thì hết sức lo lắng cho hệ sinh thái và môi trường núi rừng Bạch Mã khi xuất hiện khu nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia cùng với một tuyến cáp treo mỗi ngày đưa vào rừng một đám đông du khách, mà kèm theo đó là rất nhiều hoạt động ăn uống, vui chơi, xả thải...
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững - nhấn mạnh rằng vùng rừng núi Bạch Mã đã là vườn quốc gia với nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao phó là bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn một hệ sinh thái quý giá và các giá trị đa dạng sinh học mang tầm quốc tế.
Thế nhưng, theo ông Lung, mục đích của bản quy hoạch du lịch này chú trọng việc khai thác du lịch hơn là bảo tồn thiên nhiên. Vào những thời cao điểm như lễ, tết, nghỉ hè, mỗi ngày có chục ngàn người tập trung trên đỉnh núi thì điều gì sẽ xảy ra với hệ sinh thái nơi đó? Rác thải, tiếng ồn, các hoạt động của du khách... sẽ ảnh hưởng đến động thực vật của rừng nguyên sinh này ra sao?
Du khách đến Bạch Mã để hòa mình vào thiên nhiên và thêm ý thức bảo vệ thiên nhiên - Ảnh: MINH TỰ |
Làm du lịch đại trà là hạ thấp Bạch Mã
TS Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho rằng du lịch Bạch Mã đừng nên chú trọng số lượng mà nên xem trọng chất lượng, đó là chất lượng của sản phẩm và chất lượng du khách. Du lịch Bạch Mã phải là du lịch sinh thái, và du lịch sinh thái thật sự thì phải dựa vào giá trị của thiên nhiên, lịch sử, văn hóa bản địa; phải được quản lý bền vững về thiên nhiên, môi trường; phải nhằm mục đích giáo dục tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Vì vậy, đòi hỏi nhà đầu tư phải thật sự am hiểu thiên nhiên và môi trường.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn - viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch - cho rằng du lịch sinh thái rất kén khách vì yêu cầu phải lấy bảo tồn thiên nhiên làm trọng. Bạch Mã đòi hỏi phải giảm thiểu các tác động của rác thải, tiếng ồn, mà những thứ này luôn là hệ lụy tất yếu của du lịch đại trà. Vì vậy, theo ông Tuấn, du lịch Bạch Mã không thể là du lịch đại trà. Bạch Mã phải là du lịch sinh thái cao cấp.
Bạch Mã nên đón ít khách mà thu nhiều tiền, hơn là đón khách đại trà để đảm bảo doanh thu. Thay vì đón 10 khách lên núi với giá 1 triệu đồng/người thì chỉ nên đón 5 khách với giá 2 triệu đồng/người, và nếu được thì nên đón 2 khách với giá 5 triệu đồng/người.
Bởi khách lên núi Bạch Mã không phải chỉ hưởng thụ các nhu cầu bình thường như ăn uống, ngủ nghỉ, ngắm nghía, đu đưa trên cáp treo.
Mà khách đến đó là để trải nghiệm cuộc sống trong khu rừng rậm thường xanh vùng nhiệt đới "mưa nhiều nhất Việt Nam"; nghe chim hót, ngắm hoa nở và tận hưởng thứ không khí trong lành của núi rừng nguyên sinh; để tĩnh tâm và thanh lọc tâm hồn. Tức là khách đã được thưởng thức một sản phẩm du lịch cao cấp.
Vì vậy, nếu làm du lịch đại trà sẽ hạ thấp giá trị Bạch Mã. Du lịch Bạch Mã phải là du lịch sinh thái và đúng nghĩa với loại hình du lịch "trở về với thiên nhiên" mà thế giới đang thực hiện, chứ không phải thứ "sinh thái giả hiệu"!
Nhiệm vụ chính của Bạch Mã vẫn là bảo tồn thiên nhiên - di sản quý giá của đất trời - Ảnh: MINH TỰ |
Những giá trị quý báu và đặc hữu của thiên nhiên Bạch Mã đã sáng tỏ bởi những cuộc nghiên cứu miệt mài của các nhà khoa học, và được gìn giữ suốt hàng chục năm qua bởi các nhà bảo tồn. Những giá trị tâm linh hun đúc qua bao triệu năm đất trời Bạch Mã vẫn đang được tôn kính và trao truyền cho giới trẻ.
Vì vậy, việc khai thác những giá trị đó để phát triển kinh tế phải hết sức thận trọng, đòi hỏi con người hôm nay không chỉ có tài, có tiền (vốn đầu tư) mà còn phải có tình yêu thiên nhiên.
Xin nhắc lại hai câu thơ của André Theuriet (nhà thơ Pháp thế kỷ 19) trong bài "Lời cầu nguyện của rừng" để tạm dừng lại (mà cũng là mở ra) phóng sự dài về Bạch Mã linh sơn:
Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong.
MINH TỰ (TTO)